Đến thời điểm này, mặt bằng giá cả vẫn đang được kiểm soát tốt. Trong tuần đầu tiên sau khi chính sách tăng lương có hiệu lực, giá cả tại các chợ dân sinh cơ bản ổn định. Không có tình trạng “tát nước theo mưa”, tăng giá sau tăng lương là cảm nhận của nhiều người tiêu dùng.
Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng khoảng 8,5% trong nửa đầu năm nay cũng là yếu tố làm tăng CPI do một số địa phương tăng học phí. Đây cũng là nhóm cần theo dõi sát khi quý III là thời điểm bắt đầu năm học mới. Hiện các nhà xuất bản đã công bố giảm giá sách giáo khoa từ 10 – 15%, góp phần giảm áp lực lạm phát.
Ông Phạm Văn Bình – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: “Sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành và địa phương liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường giá cả nhất là các mặt hàng thiết yếu, điều hành giá đối với mặt hàng do nhà nước định giá, để từ đó có kịch bản tổng thể tong công tác chỉ đạo, điều hành”.
“Dư địa để kiểm soát lạm phát trong những tháng còn lại của năm còn khá là rộng. Dư địa bình quân 6 tháng còn lại của năm ở mức là 4,9% so với cùng kỳ năm trước”, bà Nguyễn Thu Oanh – Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho hay.
Ngoài ra, mối lo sức ép tỷ giá lên lạm phát cũng không còn đáng lo ngại do những tín hiệu khả quan về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ sớm cắt giảm lãi suất đồng USD cộng với cung ngoại tệ trong nước dồi dào.
Tại phiên họp họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 mới đây, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh mục tiêu trong quý III, phấn đấu đạt tăng trưởng GDP từ 6,5 – 7%; chỉ số giá tiêu dùng giữ ở mức dưới 4,5%. Tăng cường thanh tra, kiểm tra giá cả các mặt hàng và kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu, lương thực thực phẩm; kiểm soát lạm phát như mục tiêu đề ra.