Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, khu công nghiệp, khu kinh tế đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, thể hiện ở kết quả thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hệ thống các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn; góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực…
Tuy nhiên, quá trình phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, như: Chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; loại hình phát triển chậm được đổi mới…
Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính là thể chế và pháp luật chưa được hoàn thiện, khung pháp lý điều chỉnh hoạt động khu công nghiệp chưa có sự thay đổi căn bản, mới dừng lại ở cấp Nghị định, trong khi hoạt động của mô hình kinh tế này liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: Quy hoạch, đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, lao động…
Từ thực tiễn nêu trên, dự thảo Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế đề xuất sáu nhóm chính sách nhằm thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, đáp ứng được các yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay cũng như xu thế vận động mới trên thế giới như: Kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, năng lượng xanh… Đó là các nhóm chính sách về hỗ trợ các dự án để thực hiện được việc liên kết ngành, cụm liên kết ngành trong phạm vi của các khu công nghiệp, khu kinh tế; hỗ trợ các loại hình khu công nghiệp có tính chuyên môn, tính chuyên biệt, tính đặc thù cao; phát triển các khu công nghiệp hiện đại, thông minh và thu hút được các lĩnh vực đầu tư mới như kinh tế số, kinh tế xanh, chip bán dẫn, công nghiệp vật liệu, đổi mới sáng tạo; phát triển các khu đô thị có tính chất tổ hợp, các khu công nghiệp gắn với phát triển đô thị và dịch vụ; các chính sách, các quy định bổ sung ưu đãi liên quan đến thuế, phí, chính sách tài chính, vốn…; điều chỉnh, thay đổi, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục hành chính.
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển và sức cạnh tranh của các khu công nghiệp, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, việc xây dựng Luật riêng cho mô hình này là yêu cầu cấp thiết nhằm hoàn thiện thể chế và pháp luật, tạo khung pháp lý thống nhất để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vào các khu công nghiệp.