Lừa đảo trên không gian mạng thời gian qua diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tổ chức, cá nhân, tác động tiêu cực đến kinh tế-xã hội.
Dù lực lượng chức năng đã tuyên truyền, cảnh báo nhưng với các thủ đoạn tinh vi, phương thức lừa đảo liên tục được biến đổi vẫn không ít người dễ dàng trở thành nạn nhân trên không gian mạng. Do đó, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội mong chờ Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng có các giải pháp thật sự hữu hiệu để khắc phục tình trạng trên.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) khi thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội nêu vấn đề: Hầu hết đại biểu Quốc hội đã ít nhất một vài lần nhận các cuộc gọi từ số điện thoại lạ làm phiền từ các công ty quảng cáo; giả danh cán bộ cơ quan này, tổ chức kia gọi điện nhằm mục đích lừa đảo. Thực tế, có nhiều người dân, kể cả cán bộ, công chức đã bị lừa với số tiền rất lớn. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng lừa đảo qua không gian mạng, nhưng vẫn chưa xử lý được triệt để.
Người dân bị lừa tiền trên không gian mạng với thiệt hại từ vài triệu đồng tới hàng trăm triệu đồng không phải là hiếm hiện nay. Các đối tượng sử dụng công nghệ cao cùng với các hình thức lừa đảo như: Giả danh cơ quan pháp luật, chiếm quyền sử dụng tài khoản; giả danh người thân để vay, mượn tiền; dụ dỗ người dân làm nhiệm vụ trên các app thu lợi nhuận cao; giả nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ điện thoại cảnh báo khóa sim điện thoại; giả mạo trang thông tin điện tử của các cơ quan, doanh nghiệp như bảo hiểm xã hội, ngân hàng, chứng khoán; tuyển dụng việc làm; mạo danh các hoạt động trại hè; mạo danh biên tập viên của các cơ quan truyền thông tổ chức cuộc thi ảnh/tuyển cộng tác viên…
Thậm chí, nhiều người khi thực hiện phỏng vấn online qua ứng dụng hay nhận được điện thoại người thân bị tai nạn giao thông, rồi với sự mất cảnh giác thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng cũng đã bị lừa tiền.
Có thể thấy, tội phạm không gian mạng thường xuyên nắm bắt các xu hướng, sự kiện, các hoạt động mang tính thời sự, đánh vào tâm lý của nạn nhân để lừa đảo. Các đối tượng thường sử dụng thông tin giả để đăng ký tài khoản cá nhân hoặc ẩn danh, tạo tài khoản ảo trên các trang mạng xã hội có máy chủ đặt ở nước ngoài.
Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, trước hết công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh, nhằm nâng cao kiến thức về bảo mật thông tin, sớm nhận diện và cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn hoạt động lừa đảo trên không gian mạng. Cùng với đó, cần điều chỉnh hành lang pháp lý để theo kịp các vấn đề mới phát sinh.
Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về nhận diện người dùng internet; quy trình xử lý các vụ việc lừa đảo còn tồn tại một số khó khăn, nhất là phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để truy vết dòng tiền lừa đảo mất nhiều thời gian, hiệu quả thu hồi kém; việc phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến cũng mất nhiều thời gian và hiệu quả chưa cao; vấn đề sim rác, mua bán tài khoản ngân hàng tuy đã được tập trung xử lý song vẫn còn tràn lan khiến hoạt động điều tra tội phạm mạng gặp nhiều khó khăn.
Theo Báo Quân đội nhân dân