Tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra khá phức tạp. Làm gì để ngăn chặn vấn nạn này vẫn là câu hỏi nhức nhối.
Mới đây, đoạn clip dài hơn 6 phút ghi lại cảnh 1 nữ sinh cấp 2 bị lột áo (chỉ còn mang áo ngực) quỳ dưới đất. Lúc này, nhiều nữ sinh khác đã liên tiếp đấm, đá vào mặt nữ sinh.
Bị vây đánh, nạn nhân chỉ biết ôm đầu chịu trận. Nạn nhân đã lên tiếng “xin lỗi chị” nhưng nhóm nữ sinh vẫn không buông tha, lại khiêu khích: “Sao không phản lại, đang chờ phản lại đấy”.
Ngày 9/4, ông Ngô Bá Gôn – Chủ tịch UBND xã Đắk Đrông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông – cho biết đã yêu cầu lực lượng công an làm rõ đoạn clip ghi lại cảnh một nhóm nữ sinh lột áo, đánh bạn. Sau một hồi hành hạ, nhóm nữ sinh mới cho nạn nhân mặc áo lại nhưng vẫn tiếp tục đánh đập. Đoạn clip do một nữ sinh trong nhóm đặt điện thoại để tự quay lại.
Một lãnh đạo Trường THCS Hoàng Văn Thụ xác nhận vừa nắm thông tin vụ việc trên.
“Các học sinh trong clip đa số học lớp 8, lớp 9 tại trường và 1 em đã nghỉ học. Nhà trường đang phối hợp với lực lượng công an địa phương và phụ huynh làm rõ để có biện pháp xử lý” – lãnh đạo Trường THCS Hoàng Văn Thụ thông tin.
Theo ông Phạm Văn Hiệp, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cư Jút, vụ việc xảy ra ngày 15/3 tại một quán cà phê trên địa bàn xã Đắk Đrông. Phòng đã chỉ đạo nhà trường báo cáo cụ thể vụ việc.
Tình trạng bạo lực học đường hiện nay đang diễn ra hết sức phức tạp, chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt thường ngày mà các em đã ứng xử với nhau thiếu lòng nhân ái, trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam. Không chỉ là các em học sinh nam đánh nhau, mà còn xảy ra khá nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau hội đồng, với những cử chỉ thô bạo, nhiều vụ việc đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.
Nữ sinh lớp 6 bị đánh hội đồng.
Mới đây ngày 19/3, cũng xuất hiện clip dài hơn 4 phút ghi lại cảnh một nữ sinh mặc đồng phục bị nhóm 3-4 nữ sinh khác đánh hội đồng ở một bãi đất trống khu vực Nghĩa trang thôn Linh Nham (xã Đăk Djrăng).
Nạn nhân là em T.H. (học lớp 9, xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang). Sự việc xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội giữa em H. và nhóm bạn cùng khối lớp 9 trong trường.
Hay như trước đó, hồi tháng 9, tại trường THCS Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội phát hiện vụ bạo lực học đường nghiêm trọng xảy ra với em V.V.T.K. – học sinh lớp 7 của trường. Em bị các bạn học đánh hội đồng trong thời gian dài, dẫn đến tổn thương cả thể chất và tinh thần. Đáng nói, hai bệnh viện lớn chẩn đoán K. bị rối loạn phân ly (một dạng rối loạn tâm thần). Em K. có thể sẽ phải mang thương tổn cả cuộc đời.
Ông Đặng Hoa Nam Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, bạo lực học đường và đó là câu chuyện mới và không mong muốn. Các cuộc gọi về tổng đài số 111- tổng đài điện thoại bảo vệ trẻ em quốc gia cho thấy, số bạo lực xâm hại trẻ em đang tăng lên.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Cần ban hành và sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để tăng tính chế tài cho các hành vi bạo lực học đường. Không chỉ là những văn bản trực tiếp liên quan đến giáo dục mà ngay cả những văn bản liên quan gián tiếp khác như Luật an ninh mạng hay các quy định về mạng xã hội cũng rất quan trọng. Xử lý được những vấn đề trên không gian mạng cũng giúp cho vấn nạn này được giải quyết tốt hơn”.
Tính chất và mức độ nghiêm trọng của một số vụ việc bạo lực xảy ra ở trong và ngoài nhà trường là một dấu hiệu về sự sa sút đạo đức, lối sống, văn hoá ứng xử và yếu kém về kỹ năng sống của một bộ phận học sinh hiện nay. Những vụ việc đó đã và đang làm đau lòng những người làm giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong xã hội.