Càng gần đến Tết Nguyên đán, số vụ việc thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc bị cơ quan chức năng bắt giữ càng nhiều, khiến người tiêu dùng bất an.
Đơn cử, ngày 30/11, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra xe ô tô tải biển số 24H – 01X.XX do ông N.A.T có địa chỉ tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái điều khiển. Đoàn kiểm tra phát hiện trên thùng xe có chứa 10 tấn nầm lợn tươi sống đông lạnh không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Ước tính tổng giá trị số hàng hóa trên là 1 tỷ đồng.
Giữa tháng 11 vừa qua, 924 gói nước sốt bò cay do nước ngoài sản xuất, nhập lậu được lực lượng chức năng phát hiện tại khu vực cảng Hà Nội.
Trước đó, sáng ngày 1/11, cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình phát hiện hơn 3 tấn thịt lợn đã biến đổi màu sắc và bốc mùi ôi thiu không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Số thịt này được vận chuyển trên xe ô tô tải mang biển kiểm soát 17C-134.93 đang trong quá trình đi tiêu thụ.
Trước đó nữa, khi kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh của Công ty TNHH Phan Hiếu Hà Giang (số 102 đường Nguyễn Du, tổ 13, phường Nguyễn Trãi, TP.Hà Giang), lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang kinh doanh công khai thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ. Số thực phẩm này gồm: 15 gói sụn lợn, 22 gói viên thả lẩu, 15 gói dồi sụn, 15 gói nem lụi, 18 gói cánh gà tẩm bột, 23 gói lõi vai bò, 33 gói ốc hương, 48 gói đùi gà, 24 gói chân gà, 67 gói chả cá, 18kg mực khô.
Không chỉ thực phẩm bẩn mà hoa quả không đảm bảo chất lượng cũng bị phát hiện.
Ngày 3/12, tại Bản Noong Kiêng, thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra xe ô tô tải mang biển kiểm soát 29H-720.44 do ông Chu Anh Thọ là lái xe kiêm chủ hàng điều khiển. Đoàn kiểm tra phát hiện trên thùng xe ô tô tải đang vận chuyển hàng hoá gồm 35 thùng quýt có tổng trọng lượng là 350kg, trị giá 6,3 triệu đồng. Trên bao bì hàng hoá không có thông tin, căn cứ xác định được nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá.
Quá trình làm việc ông Thọ không xuất trình được hoá đơn, chứng từ hoặc giấy tờ khác liên quan đến hàng hoá. Toàn bộ hàng hoá trên bị dập nát, chảy nước, có nấm mốc xanh không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lưu thông trên thị trường.
Thực tế cho thấy, vào mỗi dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ nội tạng động vật cũng như thực phẩm gia tăng. Do vậy, các đối tượng thường thu mua thực phẩm từ nhiều nguồn không xác định, không có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nếu không được phát hiện kịp thời, số nội tạng động vật và các sản phẩm hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm có thể sẽ được tiêu thụ tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.