Liên hoan phim Việt Nam (LHP) là sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc gia được tổ chức định kỳ 2 năm một lần nhằm tôn vinh các tác phẩm điện ảnh và các nghệ sĩ trong hoạt động sáng tác điện ảnh. Đây là lần đầu tiên, LHP Việt Nam được tổ chức tại “thành phố ngàn hoa” Đà Lạt, góp phần là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 130 năm thành phố Đà Lạt hình thành và phát triển. Đây cũng là dịp dể quảng bá, giới thiệu văn hóa, con người và danh lam thắng cảnh tỉnh Lâm Đồng tới đông đảo công chúng.
Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam, LHP Việt Nam lần thứ XXIII tôn vinh các tác phẩm Điện ảnh mang tính nhân văn, hướng thiện, giàu bản sắc văn hóa Việt Nam nhằm phát triển nghệ thuật và thị trường điện ảnh, tiến tới xây dựng thành công nền công nghiệp điện ảnh. LHP cũng tạo cơ hội tiếp xúc, đối thoại, giao lưu giữa các nghệ sĩ, nhà làm phim với khán giả, góp phần thúc đẩy công nghiệp Điện ảnh Việt Nam phát triển trong thời gian tới.
Poster LHP Việt Nam lần thứ XXIII.
Theo đó, tất cả các bộ phim do các cơ sở điện ảnh Việt Nam sản xuất hoặc hợp tác với các tổ chức, cá nhân nước ngoài sản xuất (ở các thể loại: phim truyện điện ảnh, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình) có chất liệu kỹ thuật số có thể gửi tham dự LHP. Đây là những bộ phim được cấp phép phổ biến phim hoặc giấy phép phân loại trong khoảng thời gian từ ngày 1/7/2021 đến ngày 25/8/2023.
Ngoài các hoạt động chính, trong khuôn khổ LHP còn có các Hội thảo “Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh”, “Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam”. Với chủ trương kết hợp giữa điện ảnh và du lịch, thúc đẩy số lượng du khách đến thưởng thức vẻ đẹp của “xứ sở ngàn hoa” nhiều hơn nữa nên các hoạt động trong khuôn khổ LHP đều hướng đến mục tiêu này.
Ngoài “Tuần phim Chào mừng LHP” sẽ diễn ra tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh thì các hoạt động khác đều được tổ chức tại TP Đà Lạt như “Tuần lễ phát triển thương hiệu du lịch Đà Lạt qua điện ảnh” diễn ra tại các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Triển lãm “Đà Lạt – Khơi nguồn cảm hứng điện ảnh”, Giao lưu nghệ sĩ điện ảnh với khán giả, học sinh, sinh viên tại trường Đại học Đà Lạt…
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Bên cạnh việc phối hợp tổ chức các hoạt động chính của LHP, sự kiện còn gắn với hoạt động thiết thực kỷ niệm 130 năm thành phố Đà Lạt hình thành và phát triển. Bên cạnh đó, địa phương sẽ lồng ghép một số chương trình, hoạt động nhằm giới thiệu văn hóa, con người, các danh lam thắng cảnh, các sản phẩm du lịch mới của Đà Lạt – Lâm Đồng đến với đông đảo công chúng trong cả nước cũng như khách nước ngoài gắn với thương hiệu “Đà Lạt – thành phố Festival hoa”, “Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng, có thể xem LHP lần này như một tuần lễ du lịch điện ảnh tại Đà Lạt.
Từ lâu, Lâm Đồng nói chung và thành phố Đà Lạt nói riêng đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều đoàn phim điện ảnh và truyền hình. Xứ ngàn thông mộng mơ đã được lấy làm bối cảnh của nhiều bộ phim nổi tiếng. Với những ưu đãi đặc biệt về thiên nhiên, cảnh quan cùng khí hậu quanh năm mát mẻ, ôn hòa, Đà Lạt từ lâu đã đi vào thơ, nhạc và những khung hình điện ảnh đầy lãng mạn. Chính vì thế, tại LHP năm nay, bên cạnh các giải thưởng chính của LHP, tỉnh Lâm Đồng cũng sẽ tuyển chọn và trao giải thưởng cho phim có bối cảnh quay đẹp xuất sắc nhất tại nơi này.
Theo Ban tổ chức, có 177 bộ phim tham dự LHP. Trong đó có 29 phim điện ảnh, 82 phim tài liệu, 23 phim khoa học, 43 phim hoạt hình. Ban giám khảo LHP đã thực hiện sơ tuyển để lựa chọn phim cho 2 hạng mục “Chương trình phim dự thi” và “Chương trình toàn cảnh”. Các phim trong chương trình phim dự thi sẽ tham gia các hạng mục giải thưởng. Còn các phim dự chương trình toàn cảnh sẽ được công chiếu tại hệ thống rạp chiếu trên địa bàn TP Đà Lạt và huyện Đức Trọng.
Vì thế, ở hạng mục phim điện ảnh, 15 phim truyện điện ảnh tham gia tranh giải tại LHP có “Cô gái từ quá khứ”, “578′, “9,” “Con Nhót mót chồng”, “Đào, phở và piano”, “Đất rừng phương Nam”, “Em và Trịnh”, “Fanti”, “Hoa nhài”, “Hồng Hà nữ sĩ”, “Kẻ ẩn danh”, “Mẹ ơi, Bướm đây”, “Mười: Lời nguyền trở lại”, “Người vợ cuối cùng”, “Nhà bà Nữ”, “Tro tàn rực rỡ”. Chiếu trong chương trình Toàn cảnh là 14 phim bao gồm: “Biệt đội rất ổn”, “Chạm vào hạnh phúc”, “Chuyện ma gần nhà”, “Giao lộ 8675”, “Hạnh phúc máu”, “Khi ta hai lăm”, “Mememto Mori: Đất”, “Nghề siêu dễ”, “Nhà không bán”, “Phơi sáng”, “Phượng cháy”, “Siêu lừa gặp siêu lầy”, “Tiểu đội hoa hồng”, “Vong nhi”.
Thành phố Đà Lạt được lựa chọn là nơi tổ chức ngày hội cho những người làm điện ảnh.
Có thể nói, LHP Việt Nam lần thứ XXIII là LHP đầu tiên sau khi dịch bệnh COVID – 19 được khống chế hoàn toàn. Hầu hết các bộ phim đã được sản xuất trong điều kiện bình thường với sự đầu tư tốt ở mọi khâu. Chính vì thế, nhìn vào danh sách các bộ phim tham gia tranh giải hay chiếu trong chương trình toàn cảnh sẽ thấy được bức tranh phong phú, đa dạng ở các hạng mục. Có tới 82 bộ phim tham dự LHP ở Hạng mục phim tài liệu, trong số đó có 31 bộ phim dự thi. Con số này đã cho thấy mảng phim tài liệu có sự phát triển khá rực rỡ. Có lẽ, thời gian vừa qua, đời sống xã hội chứng kiến nhiều biến động từ dịch bệnh, sự phát triển như vũ bão của công nghệ, ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo đối với cuộc sống con người… Tất cả những điều đó mang đến cho các đạo diễn mảng phim tài liệu nhiều trăn trở, góc nhìn để tìm tòi, khai thác.
Nhìn vào hạng mục phim điện ảnh – hạng mục được quan tâm hàng đầu ở mỗi LHP cũng sẽ thấy một số điểm nhấn. Nếu như Cánh diều là giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh thì LHP Việt Nam tổ chức 2 năm một lần nên số lượng phim tham gia cũng nhiều hơn, chất lượng hơn và sự cạnh tranh cũng khốc liệt hơn.
Có thể thấy đây cũng là “mẻ phim” đầu tiên bung ra sau sự kiềm tỏa của dịch bệnh nên cũng mang đến nhiều điểm nhấn khác biệt. Các phim tranh giải Bông sen vàng ở thể loại phim điện ảnh có sự đa dạng cả về đề tài lẫn cách thể hiện. Ngoài không ít phim đã được trình chiếu thì một số phim vừa ra mắt khán giả để kịp tham dự LHP như “Đất rừng phương Nam”, “Đào, phở và piano”, “Người vợ cuối cùng”, “Hồng Hà nữ sĩ”. Đây có lẽ cũng là những ẩn số tại LHP vì những tác phẩm này chưa được nhiều công chúng biết tới.
Sau nhiều LHP không có sự xuất hiện của phim Nhà nước thì LHP năm nay đã có 2 đại diện là “Đào, phở và Piano” và “Hồng Hà nữ sĩ”. Một số bộ phim thương mại đang giữ ưu thế bằng doanh thu khủng như “Nhà bà Nữ”, “Mười: Lời nguyền trở lại”… Trong đó, “Nhà bà Nữ” đang giữ ngôi vị doanh thu cao nhất mọi thời đại là 475 tỷ đồng. Có phim đã kịp lận lưng bằng một loạt giải thưởng tại các LHP trong và ngoài nước như “Tro tàn rực rỡ” với giải thưởng Cánh diều vàng và là phim Việt đầu tiên được chọn vào đề cử hạng mục chính thức tại LHP Quốc tế Tokyo 2022. Khá nhiều phim có sự đầu tư kỹ lưỡng từ kịch bản, cho đến quá trình sản xuất cùng hiệu ứng truyền thông rầm rộ như “Em và Trịnh”, “Đất rừng Phương Nam” “Đào, phở và piano”…
Thêm một nét thú vị nữa tại LHP năm nay là có sự “tranh tài” của những đạo diễn lão làng kỳ cựu như NSND Đặng Nhật Minh với bộ phim “Hoa nhài” và đạo diễn có tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ là tập thể sinh viên trường Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội với sản phẩm có tên ngắn gọn “9”. Có thể nói, LHP là dịp để biểu dương các tác phẩm điện ảnh Việt Nam mang dấu ấn sáng tạo nghệ thuật, giàu tính nhân văn, hướng thiện, đề cao bản sắc văn hóa Việt Nam, tạo điều kiện cho những người làm điện ảnh học tập, trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy sự phát triển bền vững điện ảnh Việt Nam.