Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động, nghiêm túc trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Tết trồng cây đảm bảo đồng bộ, thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả (không hình thức). Việc tổ chức Tết trồng cây tạo khí thế cho việc thực hiện kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh cảnh quan năm 2024, đồng thời gắn với việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về lâm nghiệp. Sau khi trồng cây phải tiến hành chăm sóc, bảo vệ, đảm bảo tỷ lệ sống đạt 100% với phương châm “cây sinh trưởng, phát triển tốt”.
Việc trồng cây tại cấp tỉnh được thực hiện ở tất cả các sở, ban, ngành, đoàn thể; các đơn vị lực lượng vũ trang; các tổ chức, đơn vị, trường học… và các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn. Tiến hành trồng, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên, ven đường vào trụ sở của cơ quan, đơn vị mình.
Đối với cấp huyện, UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động, rà soát, lựa chọn địa điểm tổ chức lễ phát động Tết trồng cây, hình thức trồng cây phân tán, cây cảnh quan và trồng rừng tập trung với diện tích tối thiểu từ 0,3 ha trở lên.
UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch, tổ chức lễ phát động trồng cây xanh tại các trụ sở, trường học, đường giao thông gắn với việc tổ chức tuyên truyền Luật Lâm nghiệp và các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng. Tuyên truyền, vận động mỗi hộ dân tại địa phương trồng ít nhất 10 cây xanh trở lên trong diện tích đất của gia đình (nếu có).
Về kinh phí thực hiện, các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn chủ động cân đối, tự bố trí kinh phí thực hiện, đồng thời huy động nguồn lực tự nguyện đóng góp của các thành phần kinh tế, vốn của các chủ đầu tư các công trình xây dựng thực hiện trồng cây xanh đô thị, cây cảnh quan, đặc biệt là các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cùng tổ chức thực hiện.
Việc tổ chức phát động phong trào Tết trồng cây – Xuân Giáp Thìn và trồng rừng năm 2024 nhằm hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025″ của Chính phủ.
Đồng thời, nhằm mục đích đưa phong trào trồng rừng, trồng cây xanh dần trở thành nét đẹp truyền thống của Nhân dân tỉnh Lào Cai; tạo động lực mạnh mẽ trong việc thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng năm 2024 và phấn đấu hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI là nâng tỷ lệ che phủ của rừng lên 60% vào năm 2025.
Hình thành hệ thống cây ven đường, cây cảnh quan xanh, sạch, đẹp dọc theo các tuyến đường giao thông trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, góp phần bảo vệ các công trình giao thông và tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp trên các tuyến đường cũng như tại các khu du lịch, di tích lịch sử, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, tạo việc làm cho người dân địa phương.
Chi tiết kế hoạch xem tại đây