Hôm nay, bà con người Mông thôn Cát Cát tập trung đông đủ tại khu rừng cấm của thôn để làm lễ cúng rừng thiêng, với mong muốn rừng sẽ che chở cho dân bản được mạnh khỏe, bình yên, mùa màng bội thu, làm ăn thuận lợi. Lễ vật cúng thần rừng là những sản vật nông nghiệp địa phương, gồm một con lợn, mâm xôi, rượu, hương, giấy bản, hoa quả. Ông Má A Chảo, người có uy tín thôn Cát Cát, xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa chia sẻ:“Các cụ để lại cho chúng tôi lễ cúng rừng để hằng năm, cúng cho mọi người và cả làng làm ăn phát đạt, chăm cái gì thành cái đó, như mình làm kinh tế sẽ đạt năng suất cao.”
Lễ cúng rừng của đồng bào người Mông xã Hoàng Liên.
Ông Má A Nủ, chủ tịch UBND xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa chia sẻ thêm:“Hằng năm thường xuyên cúng cho bà con trong thôn, dòng họ có sức khỏe tốt hơn. Lễ cúng cũng để quảng bá đến khách du lịch đến khám phá, tìm hiểu.”
Sau khi thực hiện xong nghi lễ cúng rừng, người dân trong thôn tập trung lại để bàn bạc, xây dựng, bổ sung các bản hương ước về bảo vệ và phát triển rừng. Tiếp đó, mọi người sẽ cùng nhau thụ lộc “cúng rừng”. Đây cũng là dịp để các ngành chức năng phối hợp với chính quyền, thôn, bản tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Ông Phạm Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Du lịch và Bảo tồn sinh vật Hoàng Liên, thị xã Sa Pa cho biết: “Chúng tôi kết hợp giữa việc cùng với đồng bào thực hiện nghi lễ cúng rừng thiêng, kết hợp tuyên truyền cho người dân nơi đây bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường để từ đó người dân hiểu được giá trị của rừng, nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ rừng, cũng như giữ gìn cảnh quan sinh thái các khu vực vùng lõi, vùng đệm Vườn Quốc gia Hoàng Liên”.
Lễ cúng rừng thiêng không chỉ là một nghi lễ độc đáo, mà còn góp phần bảo vệ các giá trị văn hóa tinh thần, phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, làng bản, bảo vệ môi trường sinh thái của Vườn quốc gia Hoàng Liên phát triển bền vững.
Tuấn Nguyễn