Đẩy mạnh ngoại giao, hợp tác
Trong thời gian qua, tỉnh Lào Cai tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ đã thiết lập với các địa phương nước ngoài, bao gồm tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp) và tỉnh Brest (Cộng hòa Belarus); tìm kiếm cơ hội, mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ; duy trì và mở rộng quan hệ với các đối tác quốc tế khác, bao gồm các tổ chức quốc tế, định chế tài chính lớn, cơ quan đại diện ngoại giao các nước và các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nước ngoài.
Trước hết, tỉnh đặt trọng tâm vào việc xây dựng, phát triển quan hệ ngoại giao láng giềng, theo đó chú trọng triển khai nhiều hoạt động đối ngoại thực chất, hiệu quả trên nhiều cấp độ và nhiều lĩnh vực trong quan hệ ngoại giao với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Trong năm 2023, đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 3 giữa bí thư tỉnh ủy 5 tỉnh và Phiên họp lần thứ 9 Nhóm Công tác liên hợp các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Ðiện Biên, Lai Châu (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) tại tỉnh Hà Giang. Mới đây, ngày 11 đến 15/6/2024, đoàn đại biểu do bí thư tỉnh ủy các tỉnh Lào Cai, Ðiện Biên, Lai Châu, Hà Giang đã tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 4 giữa các bí thư tỉnh ủy và phiên họp lần thứ 10 Nhóm Công tác liên hợp giữa các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Ðiện Biên (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Trong thời gian qua, tỉnh Lào Cai tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ đã thiết lập với các địa phương nước ngoài, bao gồm tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp) và tỉnh Brest (Cộng hòa Belarus); tìm kiếm cơ hội, mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ; duy trì và mở rộng quan hệ với các đối tác quốc tế khác, bao gồm các tổ chức quốc tế, định chế tài chính lớn, cơ quan đại diện ngoại giao các nước và các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nước ngoài.
Tại sự kiện này, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Ðặng Xuân Phong đã gặp mặt xã giao Bí thư Châu ủy Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) Triệu Thụy Quân để tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác giữa hai địa phương.
Ðồng chí Ðặng Xuân Phong đề nghị hai bên tăng cường hợp tác, nhất là sớm khởi công cầu bắc qua sông Hồng để nâng cao năng lực thông quan hàng hóa; đề nghị châu Hồng Hà báo cáo với phía Trung Quốc sớm thực hiện các thủ tục liên quan đến tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng (Việt Nam) – Hà Khẩu (Vân Nam – Trung Quốc), trước mắt là sớm khởi công xây dựng công trình kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn giữa ga Lào Cai (Việt Nam) với ga Hà Khẩu Bắc (Vân Nam, Trung Quốc); nghiên cứu báo cáo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc bảo đảm các yêu cầu về cửa khẩu chỉ định được nhập khẩu nông sản, trái cây từ Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ quan của hai bên cần phối hợp tốt tổ chức Festival sông Hồng luân phiên hằng năm, tiến tới năm 2025 sẽ là lễ hội cấp quốc gia với sự tham gia của nhiều tỉnh, thành phố dọc tuyến sông Hồng.
Ðối với vùng Nouvelle Aquitaine (Pháp), kể từ khi ký kết thỏa thuận hợp tác vào năm 2002, tỉnh Lào Cai và vùng Nouvelle Aquitaine đạt nhiều kết quả hợp tác rất tích cực trong một số lĩnh vực then chốt như nông nghiệp sinh thái, du lịch, bảo tồn và phát huy các di sản địa phương, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước và con người của cả hai nước Việt Nam và Pháp.
Từ ngày 26/5 đến 1/6 vừa qua, đoàn công tác của tỉnh Lào Cai do Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại vùng Nouvelle Aquitaine để hai bên đánh giá kết quả hợp tác trong thời gian qua nhân dịp kỷ niệm 20 năm hợp tác giữa hai địa phương.
Trải qua 5 giai đoạn ký kết, vùng Nouvelle Aquitaine đã giúp tỉnh Lào Cai nghiên cứu khảo nghiệm và phát triển nhiều loại cây ăn quả ôn đới có nguồn gốc từ Pháp như đào, táo, mận, kiwi, lê… phù hợp với thổ nhưỡng của tỉnh. Ðồng chí Hoàng Giang khẳng định: Hợp tác giữa tỉnh Lào Cai và vùng Nouvelle Aquitaine là mô hình tốt và hiệu quả, là kết quả hợp tác trực tiếp giữa các địa phương trên cơ sở nhu cầu và khả năng thực tế của mỗi bên. Hiệu quả hợp tác không những mang đến giá trị kinh tế mà còn mang đến cho mỗi bên cả giá trị văn hóa-xã hội đối với người dân địa phương.
Trong quá trình mở rộng đối ngoại tăng tốc hội nhập, tỉnh cũng chú trọng đến ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa thông qua việc tìm kiếm cơ hội hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam. Thông tin cho các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn về các chương trình, sự kiện ngoại giao kinh tế, giới thiệu các đối tác quốc tế phù hợp, tiềm năng để các doanh nghiệp chủ động kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Thông qua các buổi tiếp, làm việc với địa phương, tổ chức, đoàn công tác nước ngoài, lãnh đạo tỉnh Lào Cai luôn giới thiệu tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; cung cấp các kênh thông tin định hướng phát triển và thông tin về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tại tỉnh như ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, về cơ chế giải phóng mặt bằng, hỗ trợ doanh nghiệp về lao động; các quy định về ưu đãi, thu hút đầu tư trong Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai…
Về lĩnh vực ngoại giao văn hóa, các hoạt động giao lưu, hợp tác văn hóa với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp), với các đại sứ quán và các tổ chức nước ngoài liên tục được tổ chức, như: Phối hợp tổ chức Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 9, thứ 10; hỗ trợ tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật Việt Nam-Ấn Ðộ với sự tham gia của đoàn biểu diễn văn hóa, nghệ thuật Tetseo Sister của Ấn Ðộ tại tỉnh Lào Cai; kết nối với Ðại sứ quán Hàn Quốc tổ chức chương trình “Ngày Văn hóa Hàn Quốc tại Sa Pa”…
Xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị
Là một tỉnh cửa ngõ biên cương phía tây bắc của Tổ quốc, Lào Cai có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế – chính trị – an ninh – quốc phòng của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ cũng như cả nước.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo cân đối, bố trí vốn đầu tư công cho các công trình, dự án quốc phòng – an ninh theo đúng tiến độ được phê duyệt, như: Hệ thống kè sông suối, kè mốc biên giới; xây dựng các công trình phòng thủ, khu vực diễn tập… Chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia được giữ vững. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ổn định.
Một số vấn đề phát sinh liên quan đến biên giới, đối ngoại được lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, giải quyết hiệu quả. Công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại của tỉnh đều đạt kết quả tích cực. Tuyến biên giới giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã được đánh giá là tuyến biên giới điển hình, có thể nhân rộng trên toàn tuyến biên giới Việt-Trung, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, vừa khẳng định được vai trò phên dậu của Tổ quốc.
Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 8 trong tháng 4/2024 đã diễn ra nhiều hoạt động phong phú hướng về cán bộ, chiến sĩ và nhân dân biên giới như: Lễ chào, tô son cột mốc chủ quyền; trồng cây hữu nghị; khánh thành Nhà văn hóa hữu nghị Việt-Trung; thăm, tặng quà Trường tiểu học Kim Ðồng, thành phố Lào Cai và cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai; Hội đàm giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc… Những hoạt động này đã để lại những hình ảnh tốt đẹp trong lòng quân và dân nơi biên giới.