Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, hiện nay, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở các cơ quan, đơn vị, địa phương về lĩnh vực công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế, nhất là ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo vào giải quyết công việc; khó đảm bảo hoạt động thông suốt các hệ thống công nghệ thông tin khi xảy ra sự cố, kéo theo nguy cơ mất an toàn thông tin, ngưng trệ các hoạt động quản lý nhà nước.
Một phần nguyên nhân xuất phát từ việc trước đây các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm việc tuyển dụng, đào tạo nhân lực công nghệ thông tin. Ngoài ra, những đơn vị còn chỉ tiêu biên chế cũng khó tuyển được nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao.
Thực hiện lộ trình chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Lào Cai xác định rõ mục tiêu xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Tất cả các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, người dân cần có hiểu biết về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hằng năm, Lào Cai triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình hành động số 14 ngày 24/8/2022 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 26 ngày 7/2/2022 của Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các cơ quan chuyên môn đã tổ chức, triển khai các hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn và diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng. Riêng trong năm 2023, Lào Cai đã mở 13 lớp đào tạo an toàn thông tin với 383 học viên tham gia, qua đó giúp cán bộ, công chức, viên chức nâng cao năng lực ứng phó với các trường hợp sự cố, mất an toàn thông tin; kịp thời tham mưu cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin trong hệ thống mạng thông tin tại cơ quan mình…
Sở Thông tin và Truyền thông với vai trò là cơ quan thường trực chuyển đổi số của tỉnh đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh xây dựng chính sách thu hút, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin chuyên nghiệp, chất lượng cao tham gia phát triển chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt hiện nay, Lào Cai đang thực hiện chính sách thu hút người có trình độ đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông vào làm việc tại các vị trí chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, nếu làm việc tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng; làm việc tại các huyện được hỗ trợ 150 triệu đồng. Lào Cai cũng thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo: Cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi tham gia đào tạo ngắn hạn tập trung được hỗ trợ 100% học phí, tài liệu theo quy định của cơ sở đào tạo; tiền ăn; tiền đi lại…
Để có chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao thực hiện các nhiệm vụ của chuyển đổi số, cần trả mức lương cao và có chế độ đãi ngộ hợp lý.
Ông Hạnh cho biết thêm: Tuy nhiên, đối với cơ quan nhà nước, việc duy trì, chi trả mức lương cao rất khó. Bởi vậy, Lào Cai đang thực hiện chính sách thuê nhân lực công nghệ thông tin. Với chính sách này, Lào Cai có thể chi trả theo 4 mức theo đặc thù công việc thực hiện. Mức cao nhất không quá 40 triệu đồng/tháng áp dụng đối với chuyên gia tư vấn có từ 15 năm kinh nghiệm trở lên trong chuyên ngành tư vấn; mức thấp nhất không quá 15 triệu đồng/tháng áp dụng đối với chuyên gia tư vấn có dưới 5 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành tư vấn. Khi chính sách được triển khai, phần nào sẽ cải thiện được nhu cầu về nhân lực công nghệ thông tin cho tỉnh.