Giai đoạn trước, việc triển khai riêng lẻ các phần mềm, ứng dụng đã phần nào đáp ứng được yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan, tổ chức. Theo thời gian và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, những phần mềm, ứng dụng đơn lẻ này ngày càng lộ ra bất hợp lý như bản thân phần mềm không bao quát được các nghiệp vụ của cơ quan, tổ chức, dữ liệu mang tính cục bộ, không thể chia sẻ, kết nối. Mặt khác, cùng một nghiệp vụ giống nhau nhưng mỗi cơ quan, đơn vị sản xuất sử dụng một phần mềm khác nhau dẫn đến chồng chéo, lãng phí.
Trước thực tế đó, khái niệm nền tảng số được “khai sinh” như một giải pháp cốt lõi, căn bản trong việc ứng dụng, kết nối các phần mềm để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác. Nền tảng số được hiểu là tập hợp các công nghệ, dịch vụ và giải pháp kỹ thuật số được tích hợp với nhau để tạo thành một hệ thống thống nhất.
Tỉnh Lào Cai đã sớm có định hướng cụ thể phát triển các nền tảng trong Chương trình chuyển đổi số của tỉnh. Bắt đầu từ nền tảng dùng chung như cổng dịch vụ công trực tuyến, cổng thông tin điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành… đến nền tảng dùng chung trong từng lĩnh vực (đã được các ngành đưa vào kế hoạch chuyển đổi số của từng ngành) như nền tảng giáo dục số, y tế số.
Năm 2023, nền tảng số của Lào Cai được khai thác, sử dụng hiệu quả. Nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) duy trì khai thác sử dụng, triển khai tích hợp 18 ứng dụng, kết nối liên thông với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, tài chính, tư pháp, xây dựng, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội… với tổng số bản ghi gửi liên thông là 85.442 và nhận liên thông là 103.430. Nền tảng số còn có 11 kết nối khác với các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành nhưng không qua LGSP như các dịch vụ tài chính, thuế, kho bạc, ngân hàng, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường…
Lào Cai cũng đã hoàn thành tích hợp, kết nối Kho dữ liệu giấy tờ cá nhân Dịch vụ công của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia; thực hiện kết nối, tích hợp với các cơ sở dữ liệu của các bộ: Y tế, Giao thông, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; kết nối giải quyết bài toán liên thông điện tử với 2 nhóm thủ tục hành chính thiết yếu Đề án 06; thực hiện xong tích hợp kết nối hệ thống Dịch vụ công của tỉnh với Hệ thống chứng thực chữ ký cộng đồng NEAC…
Lào Cai cũng đang triển khai thử nghiệm nền tảng cửa khẩu số. Nền tảng này đã giải quyết và đáp ứng năng lực thông quan qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành cho lượng phương tiện xuất – nhập khẩu trung bình trên 400 phương tiện/ngày.
Theo ông Tăng Văn Hạnh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thì nền tảng số có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chuyển đổi số của tỉnh, quốc gia. Nền tảng số giúp kết nối các hệ thống, quy trình và dữ liệu của các bộ phận trong tổ chức hoặc doanh nghiệp, tạo ra một nền tảng thống nhất để lưu trữ, xử lý và chia sẻ dữ liệu. Điều này giúp cải thiện hiệu quả hoạt động, nâng cao khả năng ra quyết định và tăng cường sự hợp tác giữa các bộ phận.
Nền tảng số có thể được sử dụng để tự động hóa các quy trình nghiệp vụ, giúp giảm chi phí, cải thiện hiệu quả và tăng độ chính xác.
“Ví dụ, nền tảng số có thể được sử dụng để tự động hóa quy trình bán hàng, quy trình sản xuất hoặc quy trình chăm sóc khách hàng hoặc sử dụng để tạo ra các ứng dụng di động, các dịch vụ thương mại điện tử hoặc các dịch vụ giáo dục trực tuyến”, ông Hạnh cho biết thêm.
Chương trình chuyển đổi số từ nay tới năm 2030 của Lào Cai xác định mục tiêu phát triển nền tảng số gồm: Hình thành hệ sinh thái nền tảng số, bao gồm các nền tảng số do Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp trong nước phát triển, đáp ứng nhu cầu của tỉnh, doanh nghiệp và người dân; phát triển các nền tảng số chủ chốt như giáo dục số, y tế số, cửa khẩu số; thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp và người dân ứng dụng nền tảng số trong các hoạt động của mình.
Để đạt các mục tiêu này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Các cơ quan nhà nước cần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nền tảng số, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển và ứng dụng nền tảng số. Các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng nền tảng số. Người dân cần nâng cao nhận thức về lợi ích của nền tảng số và tích cực ứng dụng nền tảng số trong cuộc sống.