Ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 369/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quy hoạch này, Lào Cai được xác định là 1 trong 6 cực tăng trưởng của vùng trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Trong Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có nhiều nội dung quan trọng tác động đến sự phát triển của Lào Cai.
Cụ thể, nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá trong thời kỳ quy hoạch đã xác định đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị và khởi công xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; xây dựng, nâng cấp hạ tầng logistics, hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu, các khu du lịch, hạ tầng thông tin, truyền thông và hạ tầng kinh tế số; phát triển các cực tăng trưởng của vùng tại Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Phú Thọ; chế biến sản phẩm từ cây dược liệu tại Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn. Tập trung phát triển công nghiệp khai thác gắn với chế biến hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và đảm bảo yêu cầu về môi trường đối với các loại khoáng sản, như apatit, đồng, sắt (Lào Cai).
Phát triển vùng quế, hồi chủ yếu tại Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng. Phát triển vùng trồng rau màu, hoa ôn đới chất lượng cao tại các địa bàn có điều kiện, khí hậu đặc thù như Lào Cai, Sơn La, Lai Châu. Tập trung phát triển cây dược liệu dưới tán rừng chủ yếu tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn. Hình thành, phát triển một số khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các khu vực, địa phương có điều kiện phù hợp, như Thái Nguyên, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Tuyên Quang, Hòa Bình.
Trong định hướng phát triển các tiểu vùng xác định tiểu vùng trung tâm bao gồm 6 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu. Tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu tại Lào Cai và Hà Giang. Lào Cai và Phú Thọ là các cực tăng trưởng của tiểu vùng.
Định hướng phát triển các hành lang kinh tế đã xác định 5 hành lang kinh tế, trong đó có hành lang kinh tế Lào Cai – Yên Bái – Phú Thọ – Hà Nội kết nối tiểu vùng trung tâm với Thủ đô Hà Nội, các cảng cửa ngõ, vùng đồng bằng sông Hồng, với thành phố Côn Minh và vùng Tây Nam Trung Quốc.
Phương hướng xây dựng hệ thống đô thị xác định thành phố Lào Cai là trung tâm giao lưu kinh tế, đối ngoại, hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với vùng Tây Nam của Trung Quốc và các nước ASEAN; là thành phố du lịch với các sản phẩm du lịch giải trí cao cấp; là một trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội cho khu vực biên giới của tiểu vùng trung tâm và tiểu vùng Tây Bắc.
Phương hướng phát triển các khu chức năng, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung xác định tập trung phát triển hệ thống 5 khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn, trong đó có khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai. Ưu tiên tập trung đầu tư, hoàn thiện và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng tại khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng, khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai.
Duy trì và nâng cao chất lượng 2 khu du lịch quốc gia đã được công nhận, trong đó có Khu du lịch quốc gia Sa Pa (Lào Cai). Xây dựng Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Sa Pa tại Lào Cai.
Hình thành và phát triển một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các khu vực, địa phương có điều kiện phù hợp như Hòa Bình, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên. Hình thành các khu vực, vùng chăn nuôi an toàn gắn với quy hoạch chung của vùng tại Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên.
Đầu tư phát triển năng lực khám, chữa bệnh đạt trình độ cao cho các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tại các tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Lào Cai, Bắc Giang, Tuyên Quang và Yên Bái nhằm đảm nhận vai trò là các bệnh viện tuyến cuối của tiểu vùng…