Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhấn mạnh, tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc Việt Nam, là kết tinh của hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, của quá trình lao động và phát triển. Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang phát triển mạnh mẽ (với gần 6 triệu người đang sinh sống ở trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ), tiếng Việt là phương tiện lưu giữ, trao truyền văn hóa, giúp đồng bào ta ở nước ngoài bảo tồn bản sắc văn hóa riêng, tự tin phát triển và hội nhập với thế giới. Tiếng Việt cũng là nhịp cầu thân thương nối liền đồng bào Việt Nam trên toàn thế giới với nhau và với Tổ quốc.
Song song với công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, công tác giữ gìn tiếng Việt luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm sâu sắc, được khẳng định thành chủ trương nhất quán, xuyên suốt và nêu thành nhiệm vụ cụ thể trong các văn bản chỉ đạo về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài như Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW và mới đây nhất là Kết luận 12/KL-TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, tiếng Việt đối mặt với nguy cơ mai một, mất dần khi thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài bị ảnh hưởng, tác động bởi văn hóa sở tại.
Trong bối cảnh đó, Đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8/2022. Theo đó, ngày 8/9 hàng năm được chọn là Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Việc làm này góp phần cụ thể hóa chủ trương Đại hội XIII của Đảng đã đề ra: “Tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc”; đồng thời tạo động lực quan trọng thúc đẩy các hoạt động giảng dạy, học tập và đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Năm 2023 là năm đầu tiên triển khai Đề án, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã tích cực huy động các nguồn lực, chủ trì và phối hợp triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh phong trào tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Công tác triển khai kế hoạch Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được xúc tiến với sự tham gia của cộng đồng người Việt ta trên toàn thế giới, với hoạt động cụ thể như: Xây dựng tủ sách tiếng Việt phục vụ cộng đồng (tại Áo, Slovakia, Hungary, Nhật Bản); Hành trình tìm kiếm và phong tặng danh hiệu “Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023”; Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Tiếng Việt thân thương”; Hội thảo Ngày tôn vinh tiếng Việt năm 2023…
Song song đó, các hoạt động thường niên cũng được tổ chức như: Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt lần thứ 9 tại Hà Nội cho 60 giáo viên kiều bào về từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ; “Trại hè Việt Nam” với sự tham gia của 120 đại biểu về từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều diễn đàn, hội thảo về đổi mới công tác dạy và học tiếng Việt đã được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các đơn vị tổ chức.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cùng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với bộ, ngành liên quan, thúc đẩy việc vận động chính quyền các nước sở tại có đông người Việt sinh sống (như Lào, Séc, Đài Loan – Trung Quốc…) đưa tiếng Việt và kiến thức văn hóa, lịch sử Việt Nam vào chương trình giảng dạy tại các cơ sở giáo dục.
Quang cảnh Hội thảo.
Ngoài ra, một số hoạt động phối hợp, hỗ trợ khác được triển khai như: Xây dựng website dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; Chương trình “Chào tiếng Việt” và “Dấu ấn Việt Nam” của VTV4… Các chương trình nhằm khích lệ lòng tự tôn dân tộc, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, tôn vinh trí tuệ, bản sắc Việt qua các thời đại; nâng cao năng lực ngôn ngữ Việt, đặc biệt với thế hệ trẻ kiều bào.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, hoạt động Tôn vinh tiếng Việt đã và đang được triển khai đồng bộ với quy mô rộng khắp ở cả trong và ngoài nước với sự chung tay và tham gia tích cực của các bộ, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, đặc biệt là bà con ta ở nước ngoài… Sự kiện không chỉ thu hút cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa các giá trị cao đẹp của ngôn ngữ và văn hóa dân tộc; là nền tảng thúc đẩy công tác đại đoàn kết dân tộc, thể hiện tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước đối với kiều bào ta ở nước ngoài.
Cho biết Kế hoạch Ngày tôn vinh tiếng Việt năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Công văn số 759/TTg-QHQT ngày 24/8/2023, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao hy vọng sẽ có thêm nhiều nguồn lực triển khai các hoạt động tôn vinh tiếng Việt trong năm 2024.
Tại Hội thảo đã diễn ra 2 phiên thảo luận: “Tình hình triển khai các hoạt động tôn vinh tiếng Việt tại các địa bàn; thuận lợi, khó khăn trong hoạt động gìn giữ tiếng Việt và phương hướng, biện pháp triển khai trong năm 2024”; “Tình hình triển khai các hoạt động tôn vinh tiếng Việt năm 2023; phương hướng, biện pháp triển khai năm 2024”. Tại đây, đại diện các bộ, ban, ngành, các cơ quan quản lý, xây dựng chính sách, chuyên gia ngôn ngữ, thầy, cô giáo và bà con kiều bào từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã đóng góp một số giải pháp, kiến nghị nhằm triển khai mạnh mẽ, hiệu quả kế hoạch Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 và những năm tiếp theo.
Một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục tạo môi trường học tập hấp dẫn, phong phú về nội dung và hình thức; đa dạng hóa, đổi mới các giáo trình học tiếng Việt ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với nhu cầu của kiều bào ở từng địa bàn; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, hình thức giảng dạy, đào tạo dạy và học tiếng Việt; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để lan tỏa rộng rãi đến công chúng ở cả trong và ngoài nước về các hoạt động tôn vinh tiếng Việt…