Tả Phìn (thị xã Sa Pa) có gần 100% dân cư là người Dao đỏ. So với trước đây, diện mạo các thôn, bản trên địa bàn xã Tả Phìn đã đổi thay rõ nét.
Qua sự định hướng, tuyên truyền, vận động của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, xã Tả Phìn đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết phát triển kinh tế do đồng bào dân tộc Dao đỏ làm chủ. Đặc biệt, mô hình Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ do chị Tẩn Tả Mẩy làm Giám đốc, thành lập năm 2015 tạo việc làm cho 224 hộ liên kết và 120 xã viên là phụ nữ người Dao và người Mông.
Năm 2015, với sự hỗ trợ từ Dự án GREAT của Chính phủ Úc, Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ được thành lập với 7 thành viên. Hợp tác xã dựa vào tri thức bản địa trong những bài thuốc gia truyền của dân tộc Dao đỏ và nguồn cây dược liệu sẵn có để sản xuất nhiều sản phẩm như nước tắm trẻ em, nước tắm phụ nữ sau sinh, tinh dầu ngải cứu, cao xoa bóp ngải cứu, gối thổ cẩm thảo dược… không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con mà còn bảo tồn, mở rộng vùng dược liệu tại xã Tả Phìn và xã Ngũ Chỉ Sơn với hơn 115 ha.
Rời xã Tả Phìn, chúng tôi xuôi về Bảo Yên. Tuy là huyện vùng thấp của tỉnh nhưng Bảo Yên có 76,2% hộ là người dân tộc thiểu số. Một trong những điểm sáng trong công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện là xây dựng những mô hình cải tạo tập tục lạc hậu.
Huyện ủy Bảo Yên đã ban hành kế hoạch xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn hóa mới” giai đoạn 2023 – 2025, triển khai thực hiện tại 100% xã có người Mông sinh sống.
Cấp huyện lựa chọn triển khai tại 3 bản (bản Tổng Kim, xã Vĩnh Yên; bản 7 Mai Đào, xã Thượng Hà; bản 4, xã Điện Quan); cấp xã lựa chọn xây dựng ít nhất 1 mô hình tại thôn, bản có đồng bào Mông. Các hoạt động dân vận được đẩy mạnh đã góp phần xóa bỏ những tập tục lạc hậu, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và vai trò chủ thể của người dân; tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển, tạo dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó tình làng, nghĩa xóm.
Công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Bảo Yên còn phát huy hiệu quả từ các mô hình khác như chương trình “Dân vận hướng về cơ sở”, mô hình “Chính quyền thân thiện”, phong trào “10 phút góp phần cải thiện môi trường”. Gần đây, Bảo Yên phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị trong công tác dân vận thực hiện các dự án của tỉnh, của huyện, tiêu biểu như Chiến dịch “60 ngày đêm hỗ trợ giải phóng mặt bằng Cảng Hàng không Sa Pa” tại xã Cam Cọn, di chuyển 120/205 hộ… Những kết quả trong công tác dân vận nói chung là nền tảng, “đòn bẩy” góp phần hoàn thành mục tiêu, khát vọng xây dựng Bảo Yên trở thành huyện phát triển khá của tỉnh Lào Cai.
Trao đổi với chúng tôi về công tác dân vận nói chung, công tác dân tộc, dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng trên địa bàn tỉnh, đồng chí Lý Thị Vinh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho rằng câu chuyện ở xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa) và huyện Bảo Yên là những ví dụ sinh động cho hiệu quả của công tác dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh những năm qua.
Cùng với quan tâm phát triển đảng viên, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hằng năm, tỉnh ưu tiên dành 65 – 70% nguồn vốn từ ngân sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến nay, Lào Cai có 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (thành phố Lào Cai và huyện Bảo Thắng), 62/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, toàn tỉnh có 60/125 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20 thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới.
Về những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Lý Thị Vinh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Giải pháp quan trọng nhất là phải gần dân, nắm tình hình Nhân dân. Các địa phương, các ngành đẩy mạnh phong trào thi đua dân vận khéo, phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản, xây dựng các bản làng vùng cao ngày càng ấm no, hạnh phúc.