Đó là câu hỏi mà lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn 254, Bộ CHQS tỉnh Lào Cai luôn đặt ra cho đội ngũ cán bộ các cấp trong toàn đơn vị. Từ đó, mỗi cán bộ đều trăn trở, suy nghĩ, tìm biện pháp hữu hiệu trong nắm, quản lý, định hướng tốt tư tưởng bộ đội để không bất ngờ về tư tưởng, dẫn đến các vụ việc vi phạm kỷ luật phải xử lý.
Chúng tôi đến Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 254 vào cuối ngày. Trong khuôn viên đơn vị, Binh nhì Trương Mạnh Cường, chiến sĩ Trung đội 10, Đại đội 3 đang cắt tóc cho các đồng đội. Hỏi ra mới biết, từ thông tin khai về sở trường của mình trong hồ sơ, đồng chí Cường được chỉ huy Đại đội 3 phân công thêm nhiệm vụ “thợ cắt tóc” của Đại đội. Sau khi “làm đẹp” xong mái tóc cho đồng đội, Binh nhì Trương Mạnh Cường chia sẻ: “Em rất vui khi được cán bộ đơn vị quan tâm cho phát huy sở trường. Nhờ cắt tóc, em vừa rèn giũa tay nghề, vừa hiểu thêm về tính cách, hoàn cảnh của nhiều đồng đội, từ đó mà gắn kết với nhau nhiều hơn”.
Đó là hiệu quả từ mô hình “Hồ sơ thông tin chiến sĩ” mà các đơn vị trong Trung đoàn 254 áp dụng. Thiếu tá Võ Hồng Cường, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 cho biết: “Thực hiện mô hình này, ngoài nắm chắc trích ngang các thông tin chính về quê quán, gia đình, điện thoại liên hệ thì hằng tháng, cán bộ trung đội phải đánh giá ưu, khuyết điểm của từng đồng chí. Đặc biệt, khi có những biểu hiện bất thường về tư tưởng, lối sống, các mối quan hệ xã hội phức tạp… cán bộ trung đội phải ghi chú rõ ràng trong hồ sơ. Do vậy, dù chiến sĩ chuyển từ đơn vị này qua đơn vị khác, quá trình học tập, công tác thế nào đều được ghi rõ trong hồ sơ. Nếu cán bộ nắm chắc hồ sơ, sẽ nắm được điểm mạnh, điểm yếu của từng đồng chí, từ đó có biện pháp quản lý phù hợp”.
Trong những ngày ở Trung đoàn 254, chúng tôi được dự một buổi bình bầu hạ sĩ quan, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tuần ở Trung đội 5, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1.
Hôm ấy, Trung sĩ Nông Văn Nhất, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 5, Trung đội 5 nhận được tín nhiệm cao nhất vì đạt thành tích xuất sắc trong tham gia hội thao của đơn vị và luôn gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ cả thường xuyên và đột xuất. Quà thưởng cho thành tích này, ngoài được tuyên dương ở bản tin thi đua, trên hệ thống truyền thanh nội bộ của đơn vị, đồng chí Nhất còn được gọi điện qua mạng xã hội về thăm hỏi sức khỏe gia đình thông qua mô hình “Cuộc gọi kết nối yêu thương”.
Buổi tối hôm ấy, dưới sự chứng kiến của chỉ huy đơn vị và đồng đội, Nhất thăm hỏi sức khỏe bố mẹ và phấn khởi thông báo kết quả hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nhìn thấy bố mẹ hạnh phúc vì mình, Nhất đã không cầm được những giọt nước mắt. Em hứa với bố mẹ sẽ cố gắng nhiều hơn nữa, hoàn thành tốt nhiệm vụ ở đơn vị, không phụ sự mong đợi của gia đình.
Nói về mô hình “Cuộc gọi kết nối yêu thương”, Thượng úy Hoàng Nhật Linh, Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 cho biết: “Mô hình không chỉ là một kênh để khích lệ, động viên hạ sĩ quan, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà thông qua đó, chỉ huy đơn vị nắm được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mỗi đồng chí, từ đó có biện pháp phù hợp trong tiến hành công tác tư tưởng ở đơn vị đối với từng quân nhân”.
Thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 254 luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác nắm, định hướng tư tưởng quân nhân với các hình thức, biện pháp đa dạng, như: Tuyên truyền, giáo dục thông qua sinh hoạt các tổ chức; tuyên truyền thông qua mạng xã hội, hệ thống truyền thanh nội bộ của đơn vị; thông báo kịp thời và định hướng tư tưởng trước những vụ việc vi phạm kỷ luật trong toàn quân. Đơn vị duy trì có nền nếp chế độ đối thoại dân chủ giữa chỉ huy Trung đoàn với cán bộ, chiến sĩ trong Ngày chính trị và văn hóa tinh thần (định kỳ mỗi tháng một lần); đội ngũ cán bộ trong đơn vị luôn chủ động bám nắm bộ đội để kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết thấu đáo những kiến nghị từ cơ sở, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống.
Thượng tá Nguyễn Đức Thọ, Chính ủy Trung đoàn 254 cho rằng: “Chúng tôi xác định việc thực hiện đầy đủ, tròn khâu Quy chế công tác quản lý tư tưởng quân nhân, nắm và định hướng dư luận trong đơn vị cho đội ngũ cán bộ các cấp là giải pháp cơ bản, nhưng yếu tố quyết định chính là sự sâu sát, gần gũi, quan tâm, sẻ chia của đội ngũ cán bộ các cấp đối với chiến sĩ. Chỉ có tình yêu thương, sự sẻ chia mới có được niềm tin của chiến sĩ, từ đó khoảng cách cán-binh được thu hẹp; chiến sĩ xem cán bộ như “người chị, người anh, người bạn” thì sẽ tránh được những bất ngờ về tư tưởng, hay những vụ việc vi phạm kỷ luật phải xử lý”.
Theo Báo Quân đội nhân dân