Qua 2 năm triển khai Quyết định 1039 về xây dựng, áp dụng các hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn giai đoạn 2021-2030, trên thị trường vẫn còn rất nhiều sản phẩm chưa thực hiện truy xuất nguồn gốc và nhiều cách truy xuất chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng. Tại chương trình Điểm hẹn kiều bào tháng 7 mới đây, các doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như giải pháp tăng cường truy xuất hàng hóa, nhằm có thêm nhiều sản phẩm trong nước tham gia các kênh phân phối của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Kiểm soát chặt từ nội bộ
Từ thực tế đưa mặt hàng nấm linh chi vào mạng lưới tiêu thụ Amazon (Hoa Kỳ), Tiến sĩ Lê Hoàng Thế, người Việt ở Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The VOS phân tích, tiêu chuẩn và truy xuất nguồn gốc là hai vấn đề khác nhau. Các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa phải hiểu rõ tiêu chuẩn hàng hóa là những yêu cầu để hàng hóa đáp ứng với thị trường, còn truy xuất nguồn gốc là “căn cước” cho hàng hóa để người tiêu dùng có thể kiểm tra. Từ đó, có những giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo chất lượng, đăng ký truy xuất nguồn gốc hàng hóa trước khi đưa vào thị trường trong nước và quốc tế.
“Điểm hẹn kiều bào” lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM.
“Để đạt được một sản phẩm từ Việt Nam xuất qua thị trường Mỹ, việc đầu tiên phải khẳng định được tất cả sản phẩm đều có chứng nhận, có bằng sáng chế và có xét nghiệm theo từng giai đoạn. Việc thứ hai, phải hiểu tiêu chuẩn ở Mỹ quy định gì? Thí dụ thực phẩm chức năng thì nguyên liệu phải organic, được xét nghiệm bởi phòng thí nghiệm nào, đạt chuẩn nào. Sản phẩm phải đăng ký thương hiệu, chắc chắn là không ai làm nhái được”, Tiến sĩ Lê Hoàng Thế nói.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, kiều bào Australia, người sáng lập thương hiệu Meet More Coffee cho rằng, khi đưa hàng ra nước ngoài, doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ lưỡng, tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nước sở tại, nhất là câu chuyện truy xuất nguồn gốc phải hết sức chặt chẽ.
Tiến sĩ Lê Hoàng Thế (giữa), người Việt ở Nhật Bản, Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The VOS.
“Đối với chúng tôi, điều đầu tiên chính là tham gia vào quy trình ISO, có đầy đủ chứng từ và dữ liệu văn bản trong từng lô hàng, sau này mã hóa dữ liệu đó trên cổng thông tin bằng QR code, hay thông tin về công nghệ. Doanh nghiệp bắt buộc phải có bộ phận kiểm soát nội bộ, đây là điều rất quan trọng, cần đầu tư vào bộ máy quản trị chất lượng”, ông Nguyễn Ngọc Luận cho biết.
Cũng theo ông Luận, vấn đề cần quan tâm là truyền thông rộng rãi để thay đổi thói quen của người dân, hướng tới “người tiêu dùng thông thái”, quan tâm lựa chọn sản phẩm có đăng ký nguồn gốc hàng hóa, dù giá cả cao hơn nhưng sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo hơn. Từ đó sẽ thay đổi tư duy, cách thức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khi tham gia chuỗi cung ứng.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, người Việt ở Australia, CEO Meet More Coffee.
Cùng quan điểm này, ông Dany Võ Thành Đăng – kiều bào Singapore, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài nhận định, ở Việt Nam có nhiều doanh nghiệp sau một thời gian chạy theo việc giảm chi phí đã đưa ra thị trường sản phẩm kém chất lượng, khiến khách hàng mất niềm tin. Chính vì vậy, cần có cơ quan chủ quản, quản lý qua việc truy xuất nguồn gốc, mã, tem vạch, để giúp người dân tin tưởng hơn, biết sản phẩm mình mua là tốt.
“Làm sao để bổ trợ niềm tin của người tiêu dùng. Khi sống ở Singapore, người tiêu dùng không phải lo lắng vì đã tin Chính phủ làm tốt khâu kiểm duyệt trước khi sản phẩm ra thị trường. Nên nhìn ở gốc rễ vấn đề, truy xuất nguồn gốc là ngọn, giải quyết tạm thời, về lâu dài phải làm sao gia tăng niềm tin của người dân, của khách hàng vào sản phẩm made in Vietnam”, ông Dany Võ Thành Đăng bày tỏ.
Hiểu đúng để làm đúng
Làm việc trong lĩnh vực kiểm tra an toàn thực phẩm, xác thực nguồn gốc cho nông sản thực phẩm của Việt Nam và thế giới, ông Henry Bùi, Việt kiều Mỹ, Giám đốc Trung tâm phân tích công nghệ cao Hoàn Vũ, hoạt động tại Việt Nam 17 năm qua cho rằng, truy xuất nguồn gốc theo cách hiểu của người Việt Nam là thông tin sản phẩm, do ai sản xuất, đơn vị chịu trách nhiệm mặt hàng đó. Trong khi ở nước ngoài, đây nghĩa là “thực phẩm và động vật vân tay” (food and animal fingerprints), mỗi sản phẩm có 1 “vân tay” riêng, đó là cách thế giới đang làm.
Ông Henry Bùi, người Việt ở Mỹ, Giám đốc Trung tâm phân tích công nghệ cao Hoàn Vũ.
Cụ thể, khi một mặt hàng đem ra nước ngoài phải đạt quy chuẩn an toàn thực phẩm, xác thực được sản phẩm bán ra. Ví dụ như mật ong thì phải xác thực con ong có ăn đường không, có bị nhiễm kháng sinh hay thuốc trừ sâu không? Hoặc 1 cái áo bằng vải cotton thì phải biết bông vải từ nước nào? Tương tự, thanh long, chanh dây, nước dừa… đều được kiểm tra như vậy và phải sử dụng máy móc để xác thực.
“Về chất lượng, đối với nước ngoài thì nước cam, nước dừa, chanh dây… phải chuẩn 100%, họ quy định dán nhãn nên phải kiểm tra xác thực nguồn gốc. Nếu không biết mà đi thì rất dễ bị vướng mắc ở nước ngoài, họ kiểm tra không đạt thì chi phí phải bỏ hoặc bồi thường cao lắm. Đó là cái mà doanh nghiệp Việt Nam đang vướng”, ông Henry Bùi chia sẻ.
Chi phí đầu tư ban đầu cho truy xuất nguồn gốc khá lớn, đòi hỏi phải có nhân lực chuyên môn cao cùng với quy trình phức tạp, phát sinh thêm chi phí đào tạo nhân viên về công nghệ, thiết lập hệ thống ghi nhận và kiểm tra dữ liệu chính xác, liên tục. Bà Đỗ Tú Trace, Giám đốc đối ngoại Công ty Blue Saigon cho biết, doanh nghiệp nỗ lực đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc luôn rõ ràng, đưa QR code, mã vạch và tin nhắn SMS để khi khách hàng tìm kiếm sẽ tự động hiển thị.
“Chúng tôi đã thành lập một đội ngũ để sử dụng tất cả các app trên thị trường phục vụ cho việc truy xuất này. Những đơn vị như VCCI, Hội doanh nghiệp Phú Nhuận, Quận ủy Phú Nhuận… đồng hành và hỗ trợ chúng tôi để có thể thực hiện đúng các tiêu chuẩn phù hợp với nhà cung cấp, nhà sản xuất, các đối tác nhập khẩu”, bà Đỗ Tú Trace cho hay.
Bà Võ Đình Liên Ngọc, Phó Chi cục trưởng Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng – Sở KHCN TP.HCM.
Bà Võ Đình Liên Ngọc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, thực hiện Quyết định 1039, Thành phố đã triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với 5/7 nhóm sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc trên địa bàn.
Cái khó hiện nay là Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia đang trong quá trình thử nghiệm nên chưa có đủ cơ sở để xây dựng hệ thống cho TP.HCM, TP cũng chưa được cấp tài khoản để quản lý doanh nghiệp tại địa bàn. Ngoài ra, việc truy xuất nguồn gốc là một chuyên ngành kỹ thuật khó, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao trong khi nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu.
Chương trình nhằm kết nối doanh nghiệp trong nước và doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài.
Bà Ngọc thông tin thêm, có 36 tiêu chuẩn quốc gia sẽ được phổ biến trong những năm tới. Thêm nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia thì kế hoạch của UBND TP sẽ phát huy hiệu quả: “Chúng tôi sẽ rà soát, bổ sung danh mục hàng hóa, sản phẩm ưu tiên truy xuất nguồn gốc. Thời gian tới nếu có nhu cầu chúng tôi sẽ báo cáo và tổ chức đặt hàng các tài liệu hướng dẫn làm mô hình chuẩn cho các doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc. Về hệ thống cổng của TP.HCM thì chúng tôi đang chờ hướng dẫn. Thông tin từ Bộ Khoa học Công nghệ, trong quý III, Cổng thông tin truy xuất sản phẩm hàng hóa quốc gia vận hành chính thức”.
Việc phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu, xác thực các thông tin để truy xuất nguồn gốc rất cần thiết để góp phần đảm bảo chất lượng, tính an toàn của sản phẩm cho hoạt động kết nối tiêu thụ. Các doanh nghiệp kiều bào cho biết họ sẵn sàng đồng hành cùng TP.HCM trong triển khai áp dụng và quản lý truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Từ đó, góp phần xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước, phục vụ cung ứng hàng hóa trên địa bàn Thành phố và hội nhập quốc tế.