Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ công bố báo cáo Prospective Plantings (Triển vọng diện tích gieo trồng) năm 2024 và báo cáo Grain Stocks (Tồn kho ngũ cốc hàng quý) vào 23 giờ ngày 28/3. Các số liệu này sẽ phản ánh tình hình và triển vọng mùa vụ các loại nông sản như ngô, lúa mì, đậu tương của Mỹ.
Các quốc gia, trong đó có Việt Nam, phụ thuộc lớn vào nguồn cung nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ đặc biệt quan tâm đến các điều chỉnh trong 2 báo cáo trên để đánh giá tác động lên giá nông sản thế giới. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển chiến lược mua hàng linh hoạt hơn, từ đó tránh được những biến động bất ngờ trên thị trường.
Tác động từ nguồn cung vụ mới sẽ hạn chế
Bước sang quý II sẽ là giai đoạn đánh dấu bước chuyển đổi trọng tâm thị trường nông sản từ hoạt động thu hoạch của Nam Mỹ sang mùa vụ mới của Mỹ. Trước khi các số liệu chính thức được công bố vào tối mai, USDA đã đưa ra nhận định tổng quan và kỳ vọng về diện tích đầu tiên trong Diễn đàn nông nghiệp thế giới năm 2024, diễn ra vào tháng 2.
Theo đó, dự báo nông dân Mỹ có thể trồng 91 triệu mẫu ngô, giảm đáng kể so với con số 94,6 triệu mẫu năm 2023. Ngược lại, diện tích đậu tương được USDA dự báo ở mức 87,5 triệu mẫu, tăng so với mức 83,6 triệu mẫu năm ngoái. Có thể thấy rõ sự chuyển đổi diện tích tương đương giữa ngô và đậu tương.
Nhìn lại những năm gần đây, giá nông sản thế giới luôn neo ở mức cao nhưng đã giảm mạnh chỉ trong vòng vài tháng qua. Lợi nhuận từ hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Mỹ đã sụt giảm do nguồn cung toàn cầu hồi phục sau 2 năm thắt chặt. Với mặt hàng vốn đòi hỏi chi phí sản xuất cao như ngô, không khó hiểu khi diện tích năm nay được dự báo sẽ thu hẹp.
Trong bối cảnh hiện tại, đậu tương là mặt hàng hấp dẫn hơn. Các nhà máy ép dầu đậu tương tại Mỹ đang liên tục mở rộng để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu tái tạo ngày càng cao. Tốc độ tiêu thụ vẫn vượt xa tốc độ sản xuất sẽ là một trong những yếu tố đầu vào cho quyết định gieo trồng mùa vụ đậu tương năm nay.
Đánh giá về tác động của báo cáo Triển vọng gieo trồng 2024, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết: “Mặc dù thị trường có những kỳ vọng trái chiều về nguồn cung nhưng giá các mặt hàng nông sản nhìn chung sẽ không bị ảnh hưởng quá mạnh sau báo cáo này. Những điều chỉnh số liệu trong quá khứ cho thấy diện tích gieo trồng sẽ dựa trên bối cảnh thị trường, biến động giá trong quý I hằng năm. Như vậy, yếu tố bất ngờ so những dự báo của USDA từ tháng 2 sẽ khó xảy ra”.
Xuất khẩu của Mỹ dần hồi phục
Về phía nhu cầu, ngô hiện vẫn đang là mặt hàng có triển vọng xuất khẩu khả quan nhất trong 3 mặt hàng nông sản chính của Mỹ, chủ yếu là nhờ doanh số bán hàng gia tăng đối với các khách hàng truyền thống như Mexico, Nhật Bản và Colombia.
Theo báo cáo Export Sales, doanh số bán hàng ngô niên vụ 2023/24 của Mỹ trong tuần vừa rồi vẫn duy trì ở mức cao với 1,19 triệu tấn. Trong đó, nhu cầu tại Mexico – vốn đứng vị trí top 1 về tỷ trọng nhập khẩu ngô Mỹ – vẫn đang gia tăng, do hạn hán đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất nội địa của quốc gia này trong niên vụ hiện tại.
Cùng với dự báo về tình hình mùa vụ mới, số liệu tồn kho các loại nông sản Mỹ tính đến ngày 1/3/2024 cũng sẽ được USDA phát hành. Hiện tại, phần lớn giới phân tích đang dự đoán nguồn cung sẽ gia tăng so cùng kỳ năm ngoái do sản lượng ngô đạt mức kỷ lục trong vụ thu hoạch trước. Tuy nhiên, dựa vào tình hình xuất khẩu tích cực trong 3 tháng đầu năm của Mỹ, tồn kho nông sản có thể sẽ thắt chặt hơn so với kỳ vọng thị trường, ông Phạm Quang Anh nhận định.
Ngành chăn nuôi sẽ phải đối mặt với kịch bản nào?
Cả 2 báo cáo quan trọng sắp tới của USDA sẽ khó có thể làm giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đảo chiều xu hướng một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, các số liệu này sẽ mang lại góc nhìn rõ ràng hơn về cung cầu nông sản của Mỹ, sau giai đoạn thị trường bị chi phối chủ yếu bởi các hoạt động mùa vụ tại Brazil.
Đây có thể là một trong những giai đoạn mà giá sẽ biến động trầm lắng hơn trong tâm lý chờ đợi thêm các tin tức về vụ ngô chính của Brazil và điều kiện sản xuất của Mỹ sắp tới. Đầu tháng 3 này, Cơ quan Cung ứng mùa vụ (CONAB) đã hạ dự báo tổng sản lượng ngô của Brazil xuống còn 112,7 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với con số 124 triệu tấn mà USDA đưa ra. Tính đến tuần này, vụ ngô thứ 2, chiếm khoảng ¾ tổng sản lượng cả nước đã hoàn thành giai đoạn gieo trồng. Tuy nhiên, rủi ro sương giá, bất ổn thời tiết trong quá trình phát triển và thu hoạch vẫn có thể tiềm ẩn các đợt tăng giá mới.
Đối với Mỹ, nếu như yếu tố diện tích sẽ được làm rõ sau báo cáo tối mai, thì năng suất ngô niên vụ 2024/25 đang là dấu hỏi lớn với thị trường. Giai đoạn nắng nóng nhất trong năm tại Mỹ diễn ra vào cuối quý II, có thể tạo ra tâm lý lo ngại cho thị trường về khả năng sản lượng thiệt hại. Điều này cũng lý giải cho các đợt tăng giá và tạo đỉnh của ngô, đậu tương thường được ghi nhận vào tháng 5, tháng 6 trong lịch sử.
Đánh giá về ảnh hưởng và tình hình mua hàng nội địa, ông Phạm Quang Anh cho biết: “Hầu hết các doanh nghiệp chăn nuôi nước ta đã tận dụng được xu hướng giảm mạnh vừa qua để mua hàng cho tới nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, biến động khó lường của giá nông sản trong 3 năm vừa qua khiến cho thị trường trở nên nhạy cảm hơn, đặc biệt là trước các báo cáo quan trọng. Với kịch bản rủi ro từ thời tiết có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới 2 quốc gia sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới, vùng giá trong khoảng giằng co hiện tại sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp tục bổ sung các chuyến hàng mới cho quý III/2024, trước khi các đợt tăng mới hình thành trong vài tháng tới”.