Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ sáng 7/5, Thủ tướng Chính phủ Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhấn mạnh: Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ có ý nghĩa đối với Cách mạng Việt Nam, mà còn trở thành bản anh hùng ca bất hủ, thôi thúc các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đó là thắng lợi vĩ đại của Nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”.
Trong ngày lễ trọng đại, các chiến sĩ Điện Biên, dân công hỏa tuyến tỉnh Lào Cai và nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã sống lại những ký ức về một thời hào hùng và bùng cháy những xúc cảm đặc biệt. Buổi sáng của một ngày đặc biệt của tháng 5, phóng viên Báo Lào Cai đã ghi lại những cảm nhận đặc biệt ấy:
Gặp chiến sĩ Điện Biên trẻ được Bác Hồ cài Huy hiệu lên ngực áo
Cùng Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Bình Minh, thành phố Lào Cai, chúng tôi đến thăm hỏi, trò chuyện với cụ Bế Sâm, 87 tuổi, trú tại tổ 14, chiến sĩ Điện Biên năm 1953 – 1954, người từng vinh dự được Bác Hồ cài huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên lên ngực áo.
Cụ Bế Sâm, dân tộc Tày, quê hương tại Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Sớm giác ngộ cách mạng, năm 13 tuổi, cụ đã xung phong tham gia đi liên lạc cho cán bộ, năm 16 tuổi lại tình nguyện nhập quân ngũ, được biên chế vào Trung đoàn 375, Quân khu Việt Bắc, trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đơn vị của cụ Bế Sâm ban đầu được giao nhiệm vụ đào hào bao vây và đánh du kích vào sân bay Mường Thanh của quân Pháp nhằm hạn chế đường tiếp tế qua không vận của địch. Sau đó, cụ Bế Sâm còn tham gia nhiều trận đánh vào đồi A1 qua 2 giai đoạn chiến thuật cho đến khi chiến dịch giành thắng lợi hoàn toàn.
“Ban đầu mình đánh đêm, súng ta phát hỏa khiến kẻ địch từ trong lô cốt kiên cố phát hiện dễ dàng, sau ta chuyển qua đánh ngày, không còn đỏ lửa mà một màu trắng xóa như nhau”, cụ Sâm kể.
Cụ Sâm còn kể rằng, để tiếp thêm lòng dũng cảm, công tác chỉnh huấn (tư tưởng, chính trị) trong bộ đội là rất quan trọng, đó cũng là bí quyết để ta giành thắng lợi trước kẻ địch hùng mạnh.
Kỷ niệm ngày đại thắng, cụ Bế Sâm không tránh khỏi những xúc cảm, bùi ngùi khi nhớ về những đau thương, mất mát, về đồng đội không có ngày trở về, giọt nước mắt lăn dài trên gò má chi chít nếp nhăn của chiến sĩ Điện Biên Anh hùng. Chúng tôi không ai bảo ai đều hiểu, trong mỗi cuộc chiến vệ quốc của dân tộc đều có phần bi tráng.
Tự hào là chiến sĩ Điện Biên
Cụ Hứa Đình Lượng, sinh năm 1934, dân tộc Tày, chiến sĩ Điện Biên, trú tại xã Bản Vược, huyện Bát Xát
Trong những ngày gần đây, tôi thường xuyên theo dõi các thông tin về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ càng khiến bao nhiêu kỷ niệm lại ùa về trong tôi. Cách đây hơn 70 năm, tôi là lính bộ binh, chiến sĩ của Đại đoàn 312, trực tiếp chiến đấu trong trận đánh tấn công vào đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi còn nhớ, buổi sáng ngày 7/5/1954 chúng tôi nhận lệnh tấn công đồi A1, các chiến sĩ đều lên đường với khí thế, quyết tâm thắng trận.
Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt bởi hỏa lực của địch rất mạnh, đạn bắn như mưa rào từ trên đồi A1 xuống.
Chúng tôi vừa chiến đấu, vừa nhìn theo lá cờ đỏ sao vàng mà đồng đội xung phong phía trước mà tiến lên. Hai đồng đội chiến đấu chung chiến hào sát cánh cùng tôi đều bị thương nặng và hy sinh. Tôi may mắn bị đạn bắn xuyên thủng ống quần nhưng không bị thương. Khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên hầm Đờ – cát, quân địch đầu hàng, chúng tôi ai cũng vô cùng sung sướng, ôm chầm lấy nhau hò reo hạnh phúc.
Phát huy tinh thần chiến sĩ Điện Biên, ngay sau chiến dịch tôi lại lên đường lên Lào Cai tham gia tiễu phỉ tại huyện Bắc Hà. Năm 1959, tôi vinh dự được kết nạp Đảng, sau đó có 20 năm công tác tại Huyện ủy Bát Xát và 4 năm làm Bí thư Đảng ủy xã Bản Xèo, 10 năm làm Bí thư Đảng ủy xã Bản Vược rồi nghỉ hưu theo chế độ.
Năm nay tròn 90 tuổi, tôi rất xúc động và cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm tới các cựu chiến binh, người có công với cách mạng. Tôi luôn tự hào mình là chiến sĩ Điện Biên, được trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương. Hiện nay, 8 người con của tôi đều là cán bộ, đảng viên. Tôi thường xuyên nhắc nhở các con, các cháu phải tích cực phấn đấu, học tập để xây dựng đất nước, xứng đáng với sự hy sinh xương máu của thế hệ cha ông bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Tâm sự của người Cựu chiến binh chống Mỹ
Ông Nguyễn Mạnh Toàn, sinh năm 1953, tổ 7, thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát
Sáng 7/5, tôi cùng các cựu chiến binh tại Tổ 7, thị trấn Bát Xát cùng nhau xem chương trình truyền hình trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và chương trình diễu binh mừng sự kiện lớn của đất nước.
Bản thân tôi là người lính từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị năm 1973 và năm 1975 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, sự hy sinh chỉ trong gang tấc, nên tôi hiểu hơn ai hết những vất vả, hy sinh của các chiến sĩ, đồng bào trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Những hy sinh xương máu ấy đã góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”.
Vào thời điểm đó, Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như hào khí của các chiến sĩ Điện Biên đã tiếp thêm động lực cho thế hệ chúng tôi lên đường chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược. Vì thế, mỗi người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ đều xác định không quản hiểm nguy để chiến đấu bảo vệ quê hương.
Hôm nay, xem những hình ảnh tư liệu trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi càng thêm phấn khởi, tự hào. Tôi rất xúc động khi vừa được đến thăm các di tích lịch sử như đồi A1, hầm Đờ Cát, xã Mường Phăng… chứng kiến bầu không khí tưng bừng, náo nức trước thềm Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, chúng tôi luôn cố gắng gương mẫu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó; giáo dục các con, cháu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước, phấn đấu học tập thật tốt để bảo vệ, xây dựng quê hương.
Sống và làm việc thật tốt để xứng đáng với sự hy sinh của cha ông
Bà Lù Thị Chảo, 75 tuổi, dân tộc Mông, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà
Từ khi có Đảng, Bác Hồ dẫn đường, chỉ lối, con em đồng bào dân tộc Mông đã tham gia kháng chiến chống Pháp, đi dân công hỏa tuyến, tải thương, tải đạn… góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đến bây giờ, Đảng và Nhà nước luôn có những chính sách cho người đồng bào để chúng tôi yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Bản thân tôi luôn nhắc nhở, giáo dục con em mình tiếp tục tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và phải sống, học tập, làm việc sao cho xứng đáng với sự hy sinh của cha ông mình trong những năm kháng chiến.
Tự hào vì có bố là Chiến sĩ Điện Biên
Ông Hà Thu Thành, 65 tuổi, thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà
Thân sinh ra tôi là cụ Hà Trọng Thiệp, sinh năm 1931, quê ở tỉnh Phú Thọ. Bố tôi từng là bộ đội thuộc Sư đoàn 312, từng tham gia trực tiếp đánh vào đồi A1, góp phần làm nên thắng lợi chung của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Kết thúc chiến dịch, bố tôi được phân công lên Lào Cai ở mỏ Apatit, sau đó lên Sa Pa xây dựng lực lượng công an vũ trang, rồi chuyển lên Si Ma Cai công tác tại Đồn Biên phòng 201. Đến năm 1969, bố tôi chuyển sang ngành thương nghiệp, công tác đến năm 1982 thì nghỉ hưu.
Bố tôi mất cách đây 1 năm khi tròn 92 tuổi, ông luôn là niềm tự hào của cả gia đình và dòng họ . Phát huy truyền thống gia đình, tôi luôn ra sức phấn đấu, rèn luyện về mọi mặt trong học tập và công tác, cuộc sống hằng ngày.
Hiện tại, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Bắc Hà, tôi luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Tự hào được đến thăm Lăng Bác trước ngày kỷ niệm chiến thắng
Cụ Vũ Văn Sinh, 94 tuổi, thôn An Thành, thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng
Sáng 7/5, chúng tôi cùng Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND thị trấn Phố Lu tới thăm hỏi, động viên cụ Vũ Văn Sinh, sinh năm 1930, trú tại thôn An Thành, chiến sĩ Điện Biên năm 1952 đến 1954.
Cụ Sinh quê ở Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, năm 15 tuổi đã tham gia cách mạng, trực tiếp tham gia tuần hành, mít tinh giành chính quyền năm 1945. Sau cách mạng tháng Tám, cụ Sinh tòng quân biên chế cho Quân khu Việt Bắc, năm 1952 thì chuyển qua đơn vị C41, e351, f304, bổ sung cho Chiến dịch Tây Bắc, tiếp đó là Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cụ Sinh nhớ thêm, khoảng năm 1958 cụ ra quân về quê nhà rồi xung phong lên Lào Cai xây dựng vùng kinh tế mới.
Rưng rưng xúc động trong ngày chiến thắng, cụ Sinh tự hào: Bộ đội mình giỏi lắm, kiên cường lắm. Chiến dịch Điện Biên Phủ vất vả, gian lao vô kể nhưng ai cũng lạc quan, tin vào chiến thắng, không hề nản chí, không quản hy sinh. Thời nào cũng thế, Bộ đội Cụ Hồ luôn một lòng “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Ký ức của nữ dân công hỏa tuyến băng rừng mở đường, tải đạn
Cụ Nông Thị Tầm, sinh năm 1936, bản Là 1, xã Xuân Thượng, huyện Bảo Yên
“Tôi đi dân công hỏa tuyến năm 18 tuổi. Công việc chính là gánh đá, đào đất, mở đường, tải đạn”- ở tuổi 88, ký ức của cụ Tầm về thời hoa lửa tại chiến trường Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên.
Thời điểm đó, cả tỉnh sục sôi khí thế lên đường hỗ trợ cho mặt trận Điện Biên. Xã Xuân Thượng có 3 người xung phong, trong đó có tôi. Dù không trực tiếp ra trận nhưng những hậu phương vẫn tích cực chăm lo công tác hậu cần, tiếp tế, mở đường, chở quân tư trang, nhu yếu phẩm lên tuyến đầu mặt trận cho những người lính trực tiếp chiến đấu.
Khi chiến dịch kết thúc thắng lợi, tôi trở về quê hương lao động, sản xuất. Những kỷ niệm thuở ấy tuy chỉ còn trong ký ức nhưng tôi luôn trân trọng và kể cho con cháu cùng nghe để nhắc nhở con cháu biết quý trọng giây phút hòa bình hôm nay, nỗ lực học tập, lao động để dựng xây quê hương, đất nước.
Hôm nay, trong giây phút tự hào cả nước hướng về Điện Biên, tôi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm của “thời hoa lửa”. Đất nước đã hòa bình và đang trên đà phát triển chính là thành quả của sự đoàn kết, dũng cảm chiến đấu.
Những người tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ như tôi luôn được Đảng, Nhà nước, địa phương quan tâm. Tôi được tặng thưởng Huy chương kháng chiến, gia đình được hỗ trợ làm nhà. Tôi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước, địa phương sẽ đưa đất nước, quê hương Bảo Yên đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Ký ức vẹn nguyên
Cụ Cao Đạt, sinh năm 1930, tổ 5, phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai
Hôm nay, cụ Cao Đạt thức dậy sớm hơn mọi ngày, cụ bảo: Hôm nay là ngày đặc biệt. Sáng sớm tôi đã háo hức và hồi hộp ngồi chờ trước màn hình ti vi để đón xem chương trình tường thuật trực tiếp lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cụ Đạt tự hào khoác lên mình bộ quân phục được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng nhiều năm trước. Đôi mắt của người cựu chiến binh đã bước sang tuổi 96 dường như rực sáng khi bắt gặp những hình ảnh tư liệu về Chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước. Nhìn đội hình duyệt binh hùng hậu và khí thế tưng bừng của cả nước hướng về lễ kỷ niệm, dường như ông đã gặp được chính mình của tuổi đôi mươi cùng đồng đội chiến đấu, ký ức bỗng chốc ùa về tươi nguyên, sống động.
Đó là vào năm 1950, vì trốn quân dịch, chàng thanh niên Cao Đạt đã bỏ quê hương Hưng Yên vào Thanh Hóa, rồi gặp bộ đội và theo cách mạng từ đấy. Sau 8 tháng huấn luyện chuyên môn thông tin, cụ được biên chế về Sư đoàn 304.
Năm tháng đi qua, trí nhớ cũng đành bất lực trước tuổi tác, người cựu chiến binh già không thể hình dung một cách đầy đủ về quá trình chiến đấu của mình tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Chỉ biết rằng, cụ đã cùng đơn vị tham gia chiến đấu Chiến dịch Hòa Bình, Ninh Bình, thượng Lào trước khi bước vào chiến dịch quyết định Điện Biên Phủ.
Theo lời kể của cụ Đạt, vào khoảng đầu tháng 3/1954, đơn vị của cụ bắt đầu hành quân về Điện Biên Phủ, được phân công bao vây phân khu Hồng Cúm, khống chế sân bay và trận địa pháo binh địch, tiến tới chia cắt phân khu Hồng Cúm với phân khu trung tâm Mường Thanh. Tại đây, ngoài đảm bảo thông tin phục vụ chiến đấu, cụ Đạt còn tham gia đào hào lấn dần về phía các cứ điểm của địch để đưa hoả lực vào gần, kiềm chế pháo binh địch.
“Công việc đào hào rất vất vả, lúc đầu, chúng tôi phải nằm đào, khi đủ sâu có thể ngồi rồi đứng đào, trong khi bom đạn địch cản phá ác liệt nhưng mọi người đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ với một tinh thần cao nhất”, cựu chiến binh Cao Đạt xúc động nhớ lại.
Từ ngày 1/5, ở Hồng Cúm, pháo và súng cối của Sư đoàn 304 bắn dồn dập vào trận địa pháo của địch. Cụ Đạt cùng các đồng đội anh dũng chiến đấu, người trước ngã xuống, người sau tiếp bước, quyết tâm mở đường vào khu trung tâm. Chiều 7/5, Tướng Ðờ- cát-xtơ-ri cùng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng.
Ký ức về những năm tháng hào hùng để làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” sẽ không bao giờ phai trong lòng những chiến sĩ Điện Biên ngày ấy, trong đó có cụ Đạt.