Chiều 9/11 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024 dưới sự chủ trì, điều hành của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ.
Mở đầu họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã thông tin tới báo chí về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 diễn ra sáng cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024. Ảnh: Nhật Bắc |
Theo đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 10, Chính phủ tập trung đánh giá về tình hình KTXH tháng 10 và 10 tháng năm 2024; đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thời gian tới để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2024 và 5 năm 2021-2025.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định: tình hình kinh tế – xã hội (KTXH) tháng 10 và 10 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng tích cực và tốt hơn tháng 9; tính chung 10 tháng tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.
Cụ thể, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng tích cực trong cả 3 khu vực: Khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định; Khu vực công nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực, tháng 10 tăng 4% so với tháng 9 và tăng 7% so cùng kỳ; tính chung 10 tháng tăng 8,3%; Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5%.
Cùng đó, kinh tế vĩ mô cũng tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,78%. Tỉ giá, lãi suất nhìn chung ổn định. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo 10 tháng đạt gần 7,8 triệu tấn, kim ngạch gần 4,9 tỷ USD).
Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn. Xuất khẩu tháng 10 tăng 4,4% so với tháng 9 và tăng 10,1% so với cùng kỳ; tính chung 10 tháng tăng 14,9%; nhập khẩu tăng 16,8%; xuất siêu 23,3 tỷ USD.
Thu NSNN tăng mạnh. Tổng thu NSNN 10 tháng đạt 97,2% dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ (trong khi đã miễn, giảm, gia hạn 149,1 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí). Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi NSNN thấp hơn giới hạn quy định.
Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng đạt 52,29% kế hoạch. Thu hút FDI đạt 27,26 tỷ USD, tăng 1,9%, cao nhất từ 2019 đến nay; vốn FDI thực hiện đạt 19,58 tỷ USD, tăng 8,8%, cao nhất trong 5 năm qua.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm. Đã hỗ trợ người dân 21.800 tấn gạo. Trong tháng 10, có 95,4% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ. Các chương trình tín dụng chính sách 10 tháng đã hỗ trợ vay vốn cho trên 1,9 triệu đối tượng, tạo việc làm cho gần 584.000 lao động. Tai nạn giao thông giảm ở cả 3 tiêu chí.
Chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước được nâng lên.
Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới
Đánh giá tình hình thời gian tới sẽ tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi do xu hướng phân tách, phân mảnh, cạnh tranh chiến lược, thay đổi chính sách của các nước, đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, thị trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra với quyết tâm cao độ, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phấn đấu đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2024, tạo đà cho năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, trong đó, trển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư, của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế với mục tiêu: Tốc độ tăng GDP quý IV khoảng 7,4-7,6%, cả năm đạt trên 7%, kiểm soát lạm phát dưới 4,5%; tăng trưởng tín dụng khoảng 15%; thu NSNN tăng ít nhất 15%.
Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch. Tiếp tục phát huy vai trò của các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ. Khẩn trương, quyết liệt để khởi công dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trong năm 2025 và sau đó tiếp tục khởi công tuyến Lạng Sơn – Hà Nội.
Xác định thể chế là “đột phá của đột phá”; đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số quốc gia: Tiếp tục quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cương quyết xóa bỏ cơ chế “xin-cho”, theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng, chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật. Sớm ban hành Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư, đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao.
Thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc về tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và chỉ đạo của Bộ Chính trị. Đẩy mạnh chuyển đổi số, Đề án 06, xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Tổ chức triển khai hiệu quả Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị, tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài, nhất là chuyển giao bắt buộc các ngân hàng kiểm soát đặc biệt còn lại; hoàn thiện phương án xử lý SCB; xử lý dứt điểm vướng mắc liên quan Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức; hoàn thiện hồ sơ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo.
Chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống Nhân dân; Tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng, tội phạm ma tuý. Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao…
Tích cực triển khai tốt các công việc của Tiểu ban Kinh tế – Xã hội Đại hội XIV./.