Động lực và thách thức với tăng trưởng
Trái với những dự báo trước đó khi giới chuyên gia cho rằng vẫn chững lại, các số liệu vừa được giới chức công bố lại gây ra sự bất ngờ lớn, khi chúng đều “phá” các mốc kỳ vọng mà thị trường đã đặt ra.
Cụ thể trong quý I, GDP của nền kinh tế số hai thế giới đã tăng trưởng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi mức tăng trưởng theo quý đạt 1,6%, tiếp tục đi lên đáng kể so với số liệu quý IV năm 2023. Những số liệu tích cực này cũng đang củng cố tốt hơn cho việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 5% GDP của nền kinh tế số hai thế giới trong năm nay.
Nhìn về thị trường chứng khoán phản ứng phiên sáng nay, dữ liệu tích cực về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chưa đủ để kéo thị trường chứng khoán đi lên, khi mà tâm lý nhà đầu tư vẫn lo ngại về những diễn biến ở Trung Đông.
Thậm chí các chỉ số chính trong khu vực sáng nay giảm khá sâu. Dẫn đầu đà giảm là Kospi của Hàn Quốc và Nikkei 225 của Nhật Bản với mức giảm trên 2%. Đêm qua, đồng yen Nhật chính thức chạm mức quy đổi thấp nhất trong vòng hơn 34 năm qua so với đồng USD, khi vượt mốc 154 yen đổi 1 USD. Ở các thị trường Trung Quốc đại lục, chỉ số chính ở các sàn Thượng Hải và sàn Thâm Quyến giảm gần 1,5%.
Nhiều chuyên gia cho rằng GDP quý I đạt 29.630 tỷ NDT, tương đương 4.090 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái – tăng cao hơn kỳ vọng. Đó là nhờ sự tăng trưởng từ xuất khẩu và lĩnh vực sản xuất. Nó là nền tảng báo hiệu sự phục hồi kinh tế ổn định hơn cho những quý sau. Những chỉ số chính như sản lượng công nghiệp giá trị gia tăng, doanh số bán lẻ đều tăng lạc quan lần lượt là tăng 6,1% và 4,7%. Bơm vốn giá rẻ để đẩy vốn vào lĩnh vực sản xuất, nhất là hai lĩnh vực năng lượng mới và số hóa nền kinh tế đã phát huy tác dụng rõ hơn. Ngân hàng Phát triển châu Á ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Trung Quốc lên 4,8% vào năm nay, cao hơn 0,3% so với ước tính trước đó. Morgan Stanley cũng nâng dự báo GDP năm 2024 của Trung Quốc từ 4,2 lên 4.8%. Tuy nhiên, tất cả các con số này đều thấp hơn mục tiêu Trung Quốc đề ra khoảng 5%. Điều này cho thấy, để đảm bảo giữ mức tăng như năm 2023 là một nhiệm vụ nặng nề.
Robin Xing, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Morgan Stanley dự báo quý II sẽ tăng tốc lên 5,5%. Nhà kinh tế này cho rằng, xuất khẩu sẽ vẫn là yếu tố tích cực chính cho tăng trưởng của Trung Quốc vào năm nay do nhu cầu toàn cầu phục hồi, đặc biệt là nhu cầu lớn hơn từ thị trường Mỹ. Mặc dù các chỉ số chính cải thiện đáng kể nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo nền kinh tế số hai thế giới vẫn đang còn đối mặt với áp lực từ nhu cầu trong nước chưa đủ mạnh, lĩnh vực bất động sản yếu kém. Đó là chưa kể, tình hình địa chính trị phức tạp, những căng thẳng mới ở Trung Đông, nguy cơ đứt đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa từ Panama và Biển Đỏ. Nguy cơ hàng hóa dư thừa. Cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung.
Trung Quốc đang thực hiện một loạt giải pháp kích thích tiêu dùng hàng hóa công nghệ, mở cửa thu hút du khách nước ngoài. Nhưng dường như chưa đủ, nhiều chuyên gia kỳ vọng, Trung Quốc tăng mạnh hơn nữa chi tiêu tài khóa không chỉ vào sản xuất mà còn vào nhiều lĩnh vực an sinh xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa để khôi phục niềm tin người tiêu dùng, tăng cường cải cách để tăng niềm tin doanh nghiệp.
Nhận định về khả năng phục hồi của nền kinh tế
Dữ liệu GDP cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự kiến. Điều này cũng sẽ khiến giới chức nước này nhẹ nhõm đôi phần, nhất là khi Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mảng bất động sản ảm đạm và nợ chính quyền địa phương ngày càng tăng.
Đây thực sự là một điểm sáng. Vì hậu đại dịch COVID-19, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã phải vật lộn để đạt được sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững. Và ngay trước thềm công bố số liệu GDP, giới chuyên gia đã tỏ ra lạc quan về triển vọng nền kinh tế Trung Quốc. Đặc biệt với động lực quan trọng đến từ lĩnh vực sản xuất.
Ông Zhu HaiBin – Chuyên gia kinh tế trưởng, Công ty JPMorgan China nhận định: “Các kết quả khả quan trong quý I chủ yếu nhờ vào ngành sản xuất. Một mặt, sự tăng trưởng gắn liền với đầu tư công nghệ cao. Mặt khác, nó cũng có mối liên hệ với hoạt động đầu tư đổi mới trong các ngành công nghiệp sản xuất truyền thống”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ có đà bật tốt trong quý II, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Ông Wang LingJun – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết: “Trong Quý II, xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện. Nửa đầu năm về cơ bản vẫn nằm trong kênh tăng trưởng”.
Mặc dù ghi nhận một số điểm sáng tích cực, kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ cần nhiều cú hích hơn nữa từ Chính phủ, để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 5% trong cả năm 2024. Các nhà phân tích dự đoán, trong quý III, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ tiếp tục giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0,25 điểm %, đưa tổng mức cắt giảm lên lớn nhất trong hai năm qua, để hỗ trợ nền kinh tế.