“Gen Z” là thế hệ những người sinh ra trong thời đại số và được truyền tải nhiều thông tin thông qua mạng xã hội. Vì vậy, xu hướng và thói quen khi du lịch của “gen Z” cũng khác so với các thế hệ trước.
Vũ Mai Anh hiện ở thị trấn Khánh Yên (huyện Văn Bàn), vừa tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Từ những ngày còn là học sinh trung học phổ thông, Mai Anh đã thích được đi khám phá đó đây. Khi là sinh viên, quen biết nhiều bạn bè, tìm hiểu các điểm đến, Mai Anh càng có cơ hội thực hiện sở thích của mình. Mỗi năm, Mai Anh đi du lịch cùng bạn bè từ 3 tới 4 lần. Vì thế, chỉ hơn 20 tuổi, so với bạn bè đồng trang lứa, Mai Anh đã đặt chân tới nhiều nơi trong nước. Mai Anh tâm sự: Nhiều bạn thấy mình đi du lịch nhiều nơi thì nghĩ gia đình có điều kiện, nhưng thực tế, để thỏa mãn đam mê, trước mỗi chuyến đi, mình đều tìm hiểu kỹ điểm đến, có sự tính toán, vì vậy chi phí không nhiều.
Mai Anh cho biết, chuyến du lịch tốn kém nhất chỉ mất khoảng 2,5 triệu đồng. Để có một chuyến đi giá rẻ nhưng vẫn được vui chơi thoải mái, Mai Anh thường lựa chọn du lịch theo nhóm, bởi các dịch vụ cho nhóm đông người sử dụng thường có khuyến mãi, giảm giá.
Khi là sinh viên, có các bạn học cùng lớp, cùng trường ở nhiều tỉnh, thành phố, Mai Anh tận dụng mối quan hệ để chọn nơi du lịch thông qua người quen, vừa an toàn vừa được ưu đãi. Mai Anh thường lên mạng internet tìm hiểu kỹ “review” của những người đi trước, nghiên cứu lịch trình, nơi ăn, nghỉ, trải nghiệm để tránh tiêu tiền phung phí hoặc sử dụng dịch vụ không hợp lý. Bên cạnh số tiền tiết kiệm được từ gia đình gửi hằng tháng, ngoài thời gian học, cô gái này còn tận dụng mạng xã hội để bán hàng online và sử dụng tiền thu được thực hiện đam mê của mình.
Cùng sở thích như Mai Anh, Hà Ngọc Khánh sinh ra và lớn lên tại Bắc Hà, hiện là sinh viên năm thứ 2 ở Hà Nội cũng có cơ hội đi du lịch nhiều nơi. Ngoài một số chuyến đi chơi cùng gia đình, thời gian gần đây, mỗi khi có cơ hội về quê, Khánh lại tìm hiểu thêm các điểm check-in mới tại Bắc Hà. Ngọc Khánh bộc bạch: Em thích phong cách du lịch gần gũi với thiên nhiên, khám phá những điểm mới mà nhiều người chưa biết tới, chưa có sự tác động nhiều của con người. Em thấy du lịch Bắc Hà nổi tiếng nhưng có nhiều bạn bè khi nhắc đến Lào Cai hoặc Bắc Hà vẫn chưa biết. Tận dụng lợi thế của mạng xã hội có thể kết nối với nhiều người, em đã xây dựng kênh giới thiệu nét đẹp của quê hương mình tới bạn bè.
Với suy nghĩ đó, thay vì đi xa, mỗi dịp được nghỉ học, Khánh lại về quê, tìm đến những địa điểm đẹp ở Bắc Hà, chụp ảnh, quay clip và chia sẻ lên mạng xã hội. Ngọc Khánh cho biết thêm: Là sinh viên, muốn đi du lịch xa phải phụ thuộc vào gia đình, nhưng không phải cứ đi xa mới là du lịch. Trong khi quê hương đẹp như vậy, mình phải đi và khám phá trước, sau đó giới thiệu để nhiều người biết.
Khác với Mai Anh và Ngọc Khánh đã là sinh viên, Phạm Nhật Đăng, học sinh lớp 9C, Trường THCS thị trấn Bát Xát (huyện Bát Xát) chưa có nhiều cơ hội đi du lịch xa, nhưng nhờ bố công tác trong ngành văn hóa nên mỗi chuyến đi cơ sở của bố, Nhật Đăng thường đi cùng, biết thêm nhiều nơi và được trải nghiệm nhiều sản phẩm du lịch của địa phương. Nhật Đăng tâm sự: Các sản phẩm du lịch thể thao ở Bát Xát, em đều được trải nghiệm, như dù lượn, chèo kayak hoặc leo núi, chạy bộ. Tham gia các môn thể thao này, ngoài rèn luyện sức khỏe, em còn có cơ hội khám phá nhiều cảnh đẹp của quê hương mình…
Mai Anh, Ngọc Khánh, Nhật Đăng chỉ là 3 trong số nhiều “gen Z” có sở thích du lịch. Theo chia sẻ của nhiều bạn trẻ, ngoài du lịch, ăn uống và mua sắm, họ cũng có xu hướng tìm kiếm những điều mới lạ, độc đáo và đặc biệt là gắn liền với công nghệ. Họ thích khám phá những điểm đến độc đáo, chụp ảnh đẹp, chia sẻ trên mạng xã hội và được khen ngợi. Thế hệ trẻ năng động luôn biết du lịch theo cách phù hợp với mình.