Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: BNEWS phát
Ngày 16/8, tại Hà Nội, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam – Văn phòng Kinh tế và Thương mại phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công Thương Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế và Giao thương Doanh nghiệp Việt Nam – Israel nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam – Israel.
Diễn đàn do Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat đồng chủ trì. Cùng tham dự Diễn đàn, về phía Việt Nam có lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị chuyên môn của Bộ Công Thương cùng đại diện doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu tại nhiều địa phương của Việt Nam; về phía Israel có đại diện Đại sứ quán Israel tại Việt Nam; đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel; đại diện các công ty, tập đoàn lớn của Israel trong các lĩnh vực.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat. Ảnh: BNEWS phát
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc tăng cường hợp tác kinh tế thương mại song phương sau khi Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam – Israel (VIFTA) đi vào hiệu lực sẽ góp phần mang lại những lợi ích và cơ hội lớn với cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Việc đạt được các thỏa thuận, cam kết của hai bên về nâng cao tự do hóa thương mại sẽ là xung lực tích cực thúc đẩy thương mại hai chiều tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3 – 4 tỷ USD và cao hơn nữa trong những năm tới.
Israel hiện là một trong những đối tác hợp tác thương mại, đầu tư và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Tây Á. Trong những năm qua, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Israel liên tục phát triển mạnh mẽ, ngày càng gắn kết sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Theo Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Israel đã tăng từ 1,2 tỷ USD năm 2019, lên 1,88 tỷ USD năm 2021 và khoảng 2,2 tỷ USD năm 2022.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat. Ảnh: BNEWS phát
Từ năm 1997, hai nước đã ký Hiệp định hợp tác nông nghiệp, theo đó, Israel đã hỗ trợ Việt Nam triển khai nhiều dự án, chuyển giao công nghệ trong chăn nuôi, trồng trọt, tưới tiêu… việc áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến của Israel vào sản xuất đã giúp cho ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển và đạt được nhiều kết quả, qua đó góp phần thúc đẩy, xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, thu hẹp khoảng cách với các nước tiên tiến; đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân.
Israel đã và đang hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực về khoa học kỹ thuật, triển khai chương trình tu nghiệp sinh nông nghiệp tại Israel và cử các đoàn chuyên gia đến các địa phương khác nhau của Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, tri thức trong áp dụng các phương pháp làm việc và sử dụng các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại. Bên cạnh nông nghiệp công nghệ cao, lĩnh vực khoa học và công nghệ cũng được hai chính phủ ưu tiên phát triển hợp tác.
Về đầu tư, lũy kế tới 20/7/2023, Israel có 40 dự án FDI tại Việt Nam, với tổng vốn hơn 140 triệu USD xếp thứ 47 trong tổng số 148 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Về thương mại, Israel là đối tác thương mại lớn thứ 5 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại Trung Đông, là đối tác thương mại lớn thứ 33 trên tổng số hơn 200 thị trường quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có xuất nhập khẩu hàng hóa.
Trong quan hệ thương mại với Việt Nam, Israel là một trong những đối tác hàng đầu ở khu vực Tây Á, trong giai đoạn 2018-2022, tổng trao đổi thương mại song phương đạt bình quân mỗi năm trên 1,6 tỷ USD. Cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam và Israel có tính bổ trợ lẫn nhau, các mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước không những không cạnh tranh trực tiếp mà còn có sự bổ sung cho nhau.
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh BNEWS phát
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, với thế mạnh về kỹ thuật và công nghệ, Việt Nam hy vọng các doanh nghiệp Israel sẽ nghiên cứu và sớm có các dự án đầu tư mới vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực Việt Nam đang có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư như điện tự, công nghiệp, hóa chất, năng lượng… Bên cạnh thị trường Việt Nam với hơn 1 triệu người tiêu dùng, hàng hóa Israel còn có cơ hội tiếp cận thị trường các nước khu vực ASEAN, châu Á – Thái Bình Dương, các nền kinh tế lớn trong 16 Hiệp định Thương mại Tự do với quy mô gần 6 tỷ người tiêu dùng. Những thuận lợi và cơ hội trong quan hệ hai nước sẽ là nên tảng quan trọng tạo thêm động lực và niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp hai bên mở rộng đầu tư, hợp tác thương mại trong tương lai.
Về cơ hội hợp tác thương mại giữa Việt Nam – Israel, ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam – Israel còn nhiều tiềm năng và dư địa để tăng trưởng. Để tăng cường hợp tác, cộng đồng doanh nghiệp hai bên cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư, tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham dự các sự kiện xúc tiến thương mại; Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan sẽ thúc đẩy triển khai các nội dung này với phía Israel trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, đại biểu tham dự Hội nghị đã chứng kiến Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Israel. Nhiều tập đoàn lớn của Israel thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, thiết bị và vật tư nông nghiệp, phân phối và nhập khẩu nông sản; Công nghệ thông tin và An toàn thông tin; Thiết bị Y tế; Công nghệ nước (công nghệ xử lý nước sinh thái cho đô thị, nhà máy, khu dân cư, bệnh viện); Năng lượng sạch (động cơ sử dụng năng lượng cho trạm sạc, ô tô, máy phát điện); An ninh Quốc phòng (giải pháp phá sóng, thiết bị không người lái)… đã sang Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh.