Hoạt động của tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới Lào Cai tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, với các thủ đoạn dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân.
Ngày 5/10/2022, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên bàn giao cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai 1 công dân có dấu hiệu bị mua bán, đó là Sùng A L., sinh năm 2005 (thôn Ngải Thầu Thượng, xã A Lù, huyện Bát Xát). Quá trình điều tra, xác minh, lực lượng chức năng phát hiện một đường dây tội phạm chuyên lừa, đưa người trái phép sang nước ngoài để đưa vào các công ty trò chơi (game) trực tuyến cưỡng bức lao động khổ sai. Ngày 11/12/2023, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xác lập chuyên án mang bí số LC1223 để đấu tranh với đường dây tội phạm này.
Thực hiện kế hoạch đấu tranh, từ ngày 12 – 19/12/2023, lực lượng phá án đã phối hợp với các lực lượng tổ chức bắt giữ 3 đối tượng: Tẩn Ông Cao, Lý A Hồng và Lý Láo San, đều trú tại xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát. Bằng các thủ đoạn, chúng đã tổ chức phương tiện đưa, đón người lao động xuất cảnh trái phép ra nước ngoài. Chúng khống chế, ép buộc, cưỡng bức người lao động tiến hành các hoạt động lừa đảo trực tuyến. Khi người lao động không muốn thực hiện công việc được giao, chúng giam giữ, đánh đập, ép gọi điện về gia đình gửi tiền chuộc với lý do bồi thường hợp đồng… Các đối tượng khai nhận đã lừa đưa 11 người ra nước ngoài cưỡng bức lao động (trong đó có nạn nhân Sùng A L.).
Theo đánh giá của Bộ đội Biên phòng Lào Cai, 6 tháng đầu năm 2024, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn biên giới tỉnh Lào Cai vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Các đối tượng tổ chức thành đường dây có sự liên kết, móc nối chặt chẽ từ nước ngoài qua khu vực biên giới vào địa bàn nội địa bằng nhiều thủ đoạn dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân. Các đối tượng thường thông qua các ứng dụng mạng xã hội như zalo, facebook… để tiếp cận, làm quen với nạn nhân rồi dụ dỗ, lừa gạt. Sau đó, chúng đưa nạn nhân vào khu vực hẻo lánh để đưa qua biên giới rồi chuyển sâu vào nội địa.
Các đối tượng trong và ngoài biên giới cũng sử dụng thủ đoạn lừa gạt, môi giới hôn nhân, lợi dụng phụ nữ có nhu cầu lấy chồng người nước ngoài, đưa nạn nhân ra nước ngoài để xem mặt. Nếu nạn nhân đồng ý thì lấy tiền môi giới hôn nhân, nạn nhân không đồng ý thì giao cho các đối tượng khác đưa đi bán làm vợ người nước ngoài. Các đối tượng phạm tội đã tổ chức thành đường dây có liên kết chặt chẽ, tính toán phân chia công đoạn để khi bị phát hiện, cơ quan chức năng khó chứng minh được tính liên quan về hoạt động phạm tội.
Với chiêu trò “việc nhẹ lương cao”, chúng lừa, đưa được nạn nhân sang nước ngoài để ép làm việc ở dịch vụ giải trí, massage, game… Các nạn nhân bị bóc lột sức lao động, trả lương thấp, ép làm những công việc lừa đảo trên mạng xã hội… Nếu không thực hiện hoặc thực hiện hiệu quả thấp sẽ bị đánh đập. Hiện nay, đối tượng môi giới, đưa dẫn người xuất – nhập cảnh trái phép không chỉ là người Việt Nam mà còn xuất hiện đối tượng người nước ngoài tổ chức cho người Việt Nam xuất cảnh trái phép sang nước ngoài với các mục đích khác nhau.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các quyết định, kế hoạch của Chính phủ, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng như các kế hoạch chuyên đề khác có liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người.
Các đơn vị đã tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, tập trung ở các địa bàn trọng điểm có hoạt động xuất – nhập cảnh trái phép liên quan đến mua bán người qua biên giới.
Trong đó, tập trung biện pháp nghiệp vụ trinh sát, nắm chắc diễn biến tình hình, kịp thời phát hiện hoạt động của tội phạm mua bán người để chủ động phòng ngừa và đấu tranh. Các đơn vị cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, phối hợp giữa kiểm soát cố định, định kỳ với tuần tra lưu động, đột xuất để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động của tội phạm mua bán người; giải cứu nạn nhân ngay từ biên giới.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai đấu tranh thành công 2 chuyên án (LC723 và LC1223) về mua bán người, bắt giữ 6 đối tượng; giải cứu 6 nạn nhân. Ngoài ra đã tiếp nhận 5 nạn nhân bị mua bán do lực lượng chức năng Trung Quốc trao trả qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai.
Bộ đội Biên phòng Lào Cai cũng phối hợp làm tốt công tác quản lý an ninh, trật tự, tạm trú, tạm vắng; quản lý, kiểm tra các dịch vụ kinh doanh có điều kiện, hạn chế thấp nhất điều kiện hoạt động của tội phạm mua bán người, tệ nạn xã hội ở địa bàn biên giới phụ trách.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lào Cai chỉ đạo các đơn vị chủ động phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, trong đó có Luật Phòng, chống mua bán người, nhất là các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm.
Từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp 82 buổi với hơn 2.500 lượt người nghe. Các nội dung được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, được tuyên truyền bằng nhiều hình thức… góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động cho người dân trên địa bàn khu vực biên giới trong việc đấu tranh với tội phạm mua bán người.
Trình bày: Thanh Huệ