Từ năm 2021, diện tích trồng chuối – một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh theo Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 giảm mạnh bởi nhiều nguyên nhân.
Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Văn bản số 1562 yêu cầu các sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh thực hiện các giải pháp duy trì, phát triển vùng nguyên liệu chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới với tinh thần không để mục tiêu phát triển vùng chuối bị “hụt hơi”.
Trong những năm qua, diện tích chuối hàng hóa tập trung chủ yếu tại các huyện: Bát Xát, Mường Khương, Bảo Thắng. Đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng thu nhập cho người dân.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, năm 2020, diện tích trồng chuối toàn tỉnh đạt 3.800 ha, sản lượng đạt 85.000 tấn, giá trị sản xuất 500 tỷ đồng (bình quân hơn 156 triệu đồng/ha). Hết năm 2023, diện tích trồng chuối của tỉnh là 2.355 ha, sản lượng hơn 60.000 tấn, giá trị hơn 400 tỷ đồng (bình quân 170 triệu đồng/ha).
“Sản phẩm chuối của Lào Cai được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc (chiếm 90% sản lượng) đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đáp ứng yêu cầu nội tiêu và xuất khẩu; chuyển dần từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang tư duy sản xuất hàng hóa theo yêu cầu của thị trường; hình thành các tổ, nhóm sản xuất; sản xuất theo hợp đồng liên kết; tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quang Vĩnh cho biết.
Mặc dù giá trị từ cây chuối mang lại rất lớn, nhưng diện tích cây trồng này trên địa bàn tỉnh lại giảm mạnh trong thời gian qua. Cụ thể, năm 2020 đạt 3.800 ha, đến hết năm 2023 chỉ còn 2.355 ha (giảm 1.445 ha). Riêng quý I/2024, diện tích chuối trên địa bàn tỉnh giảm 438 ha so với năm 2023. Theo ông Nguyễn Quang Vĩnh, có 4 nguyên nhân cơ bản dẫn đến diện tích chuối trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, đó là một số diện tích hết chu kỳ kinh doanh (4 – 5 năm), phải trồng thay thế. Đến nay, người dân đã trồng mới lũy kế được 232/700 ha, đạt 33% kế hoạch năm 2024. Theo kế hoạch, đến hết năm 2024, toàn tỉnh trồng mới 700 ha thì diện tích chuối cả năm sẽ đạt 2.285 ha.
Một số vùng chuối đã trồng nhiều chu kỳ, trong khi bệnh vàng lá Panama vẫn diễn biến phức tạp tại các vùng trồng chuối lâu năm do chưa có thuốc đặc trị nên trước mắt người dân thay thế cây trồng khác. Về thị trường xuất khẩu chuối, hiện Lào Cai phải cạnh tranh với sản phẩm chuối của Lào, Campuchia, Philippines xuất sang Trung Quốc (có thời điểm giá chuối xuất khẩu của Lào Cai giảm còn 1.500 đồng/kg – 2.000 đồng/kg) khiến người dân không yên tâm sản xuất. Tỉnh Lào Cai chưa có các doanh nghiệp chế biến sâu sau thu hoạch để gia tăng giá trị và thời gian bảo quản, mới chỉ bán sản phẩm tươi. Đây cũng là những nguyên nhân dẫn đến giảm diện tích chuối trên địa bàn thời gian qua.
Trước tình hình diện tích chuối trên địa bàn giảm mạnh, tại cuộc họp mới đây, Ban Chỉ đạo Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh đã yêu cầu các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, kiên định mục tiêu phát triển vùng trồng chuối. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển vùng trồng chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tỉnh Lào Cai giai đoạn 2024 – 2025. Trên cơ sở đó, sở đã tham mưu trình UBND tỉnh Văn bản số 1562 về đẩy mạnh thực hiện các giải pháp duy trì, phát triển vùng nguyên liệu chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2024 – 2025, tập trung vào 4 nhóm giải pháp.
Đối với giải pháp về đất, các địa phương tổ chức rà soát toàn bộ quỹ đất hiện có để quy hoạch vùng trồng, bố trí đất trồng chuối phù hợp theo định hướng chung của tỉnh và phải đảm bảo duy trì, mở rộng quy mô diện tích. Xây dựng kế hoạch chuyển đất trồng cây giá trị thấp sang trồng chuối hàng hóa đảm bảo duy trì và mở rộng quy mô diện tích trên địa bàn. Với các vùng trồng chuối bị bệnh vàng lá Panama gây hại nặng, tiến hành chuyển đổi sang cây trồng khác như ngô, lạc, cây họ đậu… từ 2 – 3 năm để cải tạo đất sạch nguồn bệnh, sau đó tiếp tục trồng chuối hàng hóa.
Đối với giải pháp về giống, tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống, tập trung nghiên cứu, lựa chọn giống chất lượng cao, kháng bệnh phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, trình độ canh tác của người dân Lào Cai. Xây dựng hệ thống sản xuất, cung ứng giống cây chuối chất lượng, sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng.
Giải pháp tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ sản xuất, trọng tâm lấy doanh nghiệp, chế biến, tiêu thụ làm đầu mối; tạo cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, đầu mối thu mua trong và ngoài tỉnh hình thành liên kết vùng. Tổ chức sản xuất phải gắn với nhu cầu thị trường để sản xuất ổn định, bền vững; thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững; hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất theo tiêu chuẩn và chứng nhận mã số vùng trồng. Lồng ghép, huy động nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án để phát triển vùng chuối đáp ứng tiêu chuẩn phục vụ nội tiêu và xuất khẩu…
Giải pháp về khoa học – kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, trọng tâm là hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân sử dụng các giống chuối kháng bệnh Panama; trồng đúng thời vụ. Đối với các vùng trồng chuối bị bệnh Panama (bệnh vàng lá) gây hại ở mức nhẹ, tiếp tục hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo quy trình của Cục Bảo vệ thực vật; đối với diện tích chuối bị bệnh Panama hại nặng kiên quyết chuyển đổi sang trồng cây trồng khác.
“Thực hiện tốt 4 nhóm giải pháp này, chắc chắn vùng chuối của Lào Cai sẽ được duy trì và mở rộng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp cũng như mang lại thu nhập cao cho người dân”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quang Vĩnh khẳng định.