Tin vui cho môn tích hợp
Năm 2024, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sử dụng 5 phương thức xét tuyển, bao gồm: Xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024; xét tuyển thẳng; xét học bạ THPT; thi tuyển (thi năng khiếu, thi đánh giá năng lực); kết hợp thi tuyển và xét tuyển.
Năm nay, trường đào tạo 29 ngành sư phạm và 16 ngành ngoài sư phạm. Trong đó, có 2 ngành mới là: Lịch sử – Địa lý và Khoa học tự nhiên (KHTN).
Đây là lần đầu tiên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mở ngành đào tạo giáo viên môn tích hợp sau 5 năm ngành giáo dục công bố chương trình GDPT mới với sự ra đời của các môn học tích hợp. Mục đích mở 2 ngành đào tạo này để đáp ứng nhu cầu giáo viên dạy các môn tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Một hoạt động của sinh viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế.
Trước đó, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế đã tuyển sinh khóa đầu tiên ngành Sư phạm Lịch sử – Địa lý từ năm 2020. Năm 2021, khóa đầu tiên của ngành Sư phạm KHTN được triển khai. Đây là ngành đào tạo giáo viên giảng dạy lĩnh vực KHTN (Vật lý, Hóa học, Sinh học) tại các trường THCS theo chương trình mới.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Thoa – Trưởng phòng Đào tạo Đại học và công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế cho biết: “Cho đến nay, nhà trường đang tổ chức đào tạo theo kế hoạch và tháng 6 tới sẽ có khóa đầu tiên tốt nghiệp của ngành Sư phạm Lịch sử – Địa lý”.
Tại Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội 2, ngành Sư phạm Lịch sử – Địa lý được đào tạo từ năm 2023. Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ – Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, năm 2024, nhà trường tiếp tục tuyển sinh ngành này và bắt đầu tuyển sinh đào tạo ngành Sư phạm KHTN.
Mặc dù là ngành mới được phép đào tạo nhưng nhà trường đã có sự chuẩn bị từ năm 2015. Sau khi có dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, trường đã tích cực chuẩn bị về mặt đội ngũ, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo các ngành tích hợp.
Trên cơ sở phân tích dữ liệu tuyển sinh và kết quả học tập của sinh viên, năm nay, Trường Đại học Sư Phạm 2 giữ ổn định 4 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; xét tuyển sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực (của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội); xét tuyển sử dụng kết quả học tập cấp THPT (học bạ); xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Hướng tới đào tạo sau đại học có tính tích hợp
Việc các trường đại học mở ngành đào tạo giáo viên dạy tích hợp được kỳ vọng sẽ giải quyết vướng mắc trong triển khai dạy học tích hợp theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trong các trường phổ thông hiện nay.
Trước yêu cầu đặt ra về chất lượng đào tạo giáo viên dạy học tích hợp, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ cho biết, đối với ngành Sư phạm KHTN, mặc dù đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo nằm ở 3 khoa khác nhau là Vật lý, Hóa học, Sinh-KTNN nhưng các giảng viên đã sẵn sàng cho việc dạy học tích hợp. Trước khi được phép mở ngành Sư phạm KHTN, giảng viên đã tham gia bồi dưỡng dạy học tích hợp cho giáo viên nhiều tỉnh/thành trong cả nước.
Bên cạnh hệ thống phòng thí nghiệm, thực hành, nhà trường tận dụng triệt để lợi thế của công nghệ. Hệ thống các bài thí nghiệm, thực hành được xây dựng trên cơ sở sử dụng ưu thế của công nghệ thực tại ảo (VR), thực tại tăng cường (AR).
Đối với 2 chương trình đào tạo tích hợp, sinh viên được đào tạo kỹ năng khai thác, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong việc thiết kế kế hoạch bài giảng cũng như sử dụng trí tuệ nhân tạo để áp dụng cho từng tiến trình dạy học.
Để thí sinh yên tâm lựa chọn ngành học tích hợp, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ cho biết: “Nhà trường có bước đi quan trọng đó là bắt tay vào xây dựng chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đối với 2 ngành tích hợp này. Hiện nay, nhà trường đã và đang làm việc với một số trường đại học danh tiếng và một số chuyên gia nước ngoài để thiết kế chương trình đào tạo sau đại học có tính tích hợp”.