Tại buổi họp báo diễn ra vào chiều 2/4 tại Hà Nội, đại diện Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, mỗi chương trình tham gia Liên hoan có thời lượng ít nhất 30 phút và nhiều nhất 45 phút; trong đó, cần có ít nhất 2 loại hình nghệ thuật (ca, múa, nhạc, sân khấu…); riêng chương trình của mỗi đoàn nghệ thuật quần chúng trong quân đội cần có ít nhất 1/3 tiết mục sáng tác tự biên mới để xét giải thưởng “chương trình xuất sắc”.
Về thành phần, các đại diện tham gia Liên hoan chia thành 2 nhóm: trong quân đội và ngoài quân đội. Đối với nhóm trong quân đội, mỗi quân khu cử 2 đoàn nghệ thuật quần chúng (đại diện khối bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ); các Quân chủng Hải quân, Phòng không – Không quân và Bộ đội Biên phòng cử 2 đoàn/đơn vị (đại diện khối học viện, nhà trường và vùng hải quân, sư đoàn, bộ đội biên phòng tỉnh); mỗi đơn vị đầu mối còn lại trực thuộc Bộ Quốc phòng cử 1 đoàn.
Đối với nhóm ngoài quân đội (Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), mỗi đầu mối tại một khu vực cử 2 đoàn tham gia Liên hoan.
Tổng cộng, có lần lượt 62 và 18 đoàn nghệ thuật quần chúng thuộc 2 nhóm nêu trên; mỗi đoàn nghệ thuật quần chúng được phép tham gia nhiều nhất 40 thành viên. 100% diễn viên trong đoàn không thuộc tổ chức, biên chế của bất kỳ đơn vị nghệ thuật nào.
Liên hoan sẽ diễn ra tại 3 khu vực. Ở miền nam, các đoàn nghệ thuật quần chúng sẽ trình diễn tại Nhà hát Quân đội khu vực phía nam (Thành phố Hồ Chí Minh). Các đoàn miền trung/Tây Nguyên và miền bắc lần lượt tranh tài tại Nhà văn hóa Binh đoàn 15 (thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) và Nhà hát Quân đội (thành phố Hà Nội).
Về cơ cấu khen thưởng, Liên hoan có các giải xuất sắc, tốt, A, B cùng một số phần thưởng dành tặng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thể hiện các chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; biển, đảo, biên cương Tổ quốc; tình đoàn kết quốc tế; bài hát quy định trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngoài ra, Ban tổ chức cũng sẽ trao các giải thưởng tặng tác giả xuất sắc, có sáng tác tự biên mới; khai thác, ứng dụng, phát triển các hình thức múa, hát tập thể trong quân đội; ban nhạc, tốp nhạc tham gia hiệu quả Liên hoan; các diễn viên đặc thù về độ tuổi, chức vụ, dân tộc…
Liên hoan Nghệ thuật quần chúng là hoạt động lớn về văn nghệ quần chúng do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trì tổ chức. Sau 15 năm, Liên hoan đã được mở rộng quy mô, đến nay đã được tổ chức cả ở địa bàn Tây Nguyên.
Năm nay, Liên hoan ghi nhận sự tham gia của 80 đoàn nghệ thuật quần chúng (tăng 19 đoàn so Liên hoàn lần thứ 9, năm 2019), gắn với kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngoài ra, Liên hoan năm nay không phân biệt giữa đoàn nghệ thuật quần chúng của quân đội và đoàn mời tham gia. Bên cạnh đó, tất cả các đoàn nghệ thuật đến với Liên hoan đều được Bộ Quốc phòng hỗ trợ kinh phí.