Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất in mã QRcode lên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) để chống in giả.
“Sổ đỏ” rút ngắn từ 4 xuống 2 trang
Đề xuất trên được nêu trong dự thảo Thông tư quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới sẽ chỉ còn hai trang, mã QRcode sẽ được in ở trên cùng, góc phải trang một.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mã QRcode giúp người dân tra cứu thông tin được in trên giấy chứng nhận và thông tin phản hồi nhằm chống làm giả.
Mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất.
Bên cạnh đề xuất in thêm QRcode, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và tài sản trên đất (sổ đỏ) cũng được Bộ TN&MT đề xuất sửa đổi một số nội dung. Cụ thể, mẫu giấy chứng nhận mới còn 2 trang thay vì 4 trang như trước. Trước đây, đa phần thông tin trong giấy chứng nhận nằm ở trang hai và ba thì theo đề xuất sẽ được chuyển ra trang một.
Quốc huy được thu nhỏ đặt ở góc trái trang một, thay vì chính giữa như hiện tại. Phần thông tin thửa đất gồm thửa đất số, loại đất, thời hạn sử dụng, nguồn gốc sử dụng, địa chỉ trước đây ở trang hai thì nay đưa ra trang một.
Tương tự, thông tin tài sản gắn liền với đất, ghi chú, sơ đồ thửa đất, chứng nhận của cấp có thẩm quyền cũng được đưa ra trang một.
Trong bảng biểu thông tin tài sản gắn liền với đất cũng có thêm các nội dung kê khai như: Tên tài sản/hạng mục công trình; Diện tích xây dựng (m2); Diện tích sàn hoặc công suất; Kết cấu chủ công yếu; Cấp công trình; Số tầng; Năm hoàn thành xây dựng; Thời hạn sở hữu.
Ở trang hai sẽ chỉ còn duy nhất thông tin Những thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận và số vào sổ sau khi cấp giấy chứng nhận.
Sau khi lấy ý kiến người dân và các bộ ngành, địa phương trong tháng 5, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành thông tư.
Từ năm 2025, sổ đỏ có tên gọi mới
Sổ đỏ và sổ hồng đều là những thuật ngữ không được công nhận trong các văn bản pháp luật. Đây chỉ là cách gọi thông dụng của người dân dựa trên màu sắc của các loại giấy tờ xác nhận về quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà ở.
Trong đó, sổ đỏ được sử dụng để gọi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sổ hồng được sử dụng để gọi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở/giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở/giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.
Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2024 (khoản 21 Điều 3) quy định: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất theo quy định của pháp luật”.
Điều này đồng nghĩa với việc, từ ngày 1/1/2025, sổ đỏ, sổ hồng sẽ có tên gọi chính xác là “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”. Trong đó, tài sản gắn liền với đất bao gồm: Nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ quy định cụ thể về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Như vậy, khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực vào ngày 1/1/2025, sổ đỏ hay sổ hồng cũng vẫn được coi là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, bao gồm cả nhà ở và các công trình gắn liền với đất.
Cũng theo luật này, sổ đỏ, sổ hồng đã được cấp trước 1/1/2025 vẫn có giá trị pháp lý nên người được cấp sổ không bắt buộc phải làm thủ tục cấp đổi, trừ trường hợp có nhu cầu.
Trước đó, đã xảy ra nhiều vụ in sổ đỏ giả để lừa đảo. Điểm chung của nhiều vụ án, các đối tượng cần tiền, lên mạng tìm mối in sổ đỏ giả. Sau đó, các đối tượng mang sổ đỏ đi cầm cố, thế chấp, thậm chí vay ngân hàng.
Điển hình như tại Hòa Bình, mới đây, Công an huyện Lạc Thủy bắt giữ ba đối tượng có hành vi làm và sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để thế chấp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gồm: Phạm Thị Hoa (sinh năm 1989, trú xã Đồng Tâm, nguyên là cán bộ Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm); Vũ Hồng Thủy (sinh năm 1986, trú xã Đồng Tâm, nguyên là cán bộ Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Thủy, vừa xin nghỉ việc); Đỗ Thị Thu Hoài (sinh năm 1984, trú thị trấn Chi Nê, nguyên là cán bộ Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Thủy).
Các đối tượng đã cấu kết với nhau lấy thông tin các thửa đất của người dân trên địa bàn huyện để móc nối với các đối tượng ngoài xã hội làm giả nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở có diện tích từ vài chục đến hàng trăm mét vuông tại những vị trí đắc địa trên địa bàn thị trấn Chi Nê. Tất cả số sổ đỏ được làm giả đều mang tên của ba đối tượng trên.
Sau khi làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các đối tượng đã mang 5 sổ đỏ giả đi thế chấp lừa vay và chiếm đoạt tiền của nhiều người.
Bà Phạm Thị Thành (sinh năm 1960, trú thị trấn Chi Nê) đã bị các đối tượng thế chấp sổ đỏ giả, vay và chiếm đoạt số tiền khoảng 22 tỷ đồng…