Dự hội nghị có đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Vũ Hồng Phương, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương và cả hệ thống chính trị nỗ lực cao nhất thực hiện nhiệm vụ năm 2024 với tinh thần quyết liệt và sáng tạo hơn ngay từ những ngày đầu năm.
Theo báo cáo của UBND huyện Văn Bàn, năm 2023, các cấp, các ngành trong huyện tiếp tục bám sát định hướng chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025 để triển khai thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, tình hình kinh tế – xã hội của huyện được duy trì phát triển ổn định, thực hiện 62/62 chỉ tiêu do UBND tỉnh giao; tổng vốn đầu tư công năm 2023 là 478.706 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 461 tỷ đồng, bằng 109,7% kế hoạch; giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt 310 tỷ đồng, đạt 105,1% kế hoạch giao; tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm đạt 74.056 tấn (đạt 113,5% kế hoạch tỉnh giao); thu nhập bình quân người dân ước đạt 60,8 triệu đồng/người/năm, bằng 112% so năm 2022.
Trong năm 2023, toàn huyện đã đổ bê tông xi măng được gần 54 km đường giao thông nông thôn; trồng mới 1.084 ha rừng; diện tích quế toàn huyện đạt 9.334,7 ha, trong đó diện tích quế cho thu hoạch là hơn 3.700 ha.
Năm 2024 là năm quyết định thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, cấp ủy, chính quyền các địa phương huyện Văn Bàn xác định tiếp tục ra sức phấn đấu, chủ động, nỗ lực triển khai các giải pháp có tính khả thi cao để hoàn thành nhiệm vụ của cả giai đoạn và trong năm đã đề ra. Trong đó, mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế – xã hội được xác định là: Phấn đấu sản lượng lương thực có hạt đạt 69.195 tấn; giá trị sản phẩm thu hoạch/ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 105 triệu đồng; trồng mới 500 ha rừng sản xuất; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 529,3 tỷ đồng. Trong năm có thêm 9 xã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 4,45%/năm.
Cùng với đó, tích cực tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển. Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm; quản lý chặt chẽ đất đai, tài nguyên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học – công nghệ; cải cách hành chính, chuyển đổi số; bảo đảm quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại.
Tại hội nghị, các đại biểu phát biểu thảo luận, đóng góp ý kiến vào những giải pháp chủ yếu trong công tác chỉ đạo, điều hành và chương trình hành động của UBND huyện triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; đề xuất các giải pháp cụ thể phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về nhiệm vụ thu, chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công; quyết tâm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 của tỉnh Lào Cai nói chung, huyện Văn Bàn nói riêng diễn ra trong bối cảnh với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc, huyện Văn Bàn đã vượt qua, hoàn thành toàn bộ 62/62 chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Đặc biệt, có 2 chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch tỉnh giao là thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế.
Về nhiệm vụ năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo; tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, nghị quyết, kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra, nhất là các nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp hàng hóa, nghị quyết về phát triển du lịch, nguồn nhân lực… Ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng chăn nuôi, sản xuất hàng hóa và dịch vụ sản xuất nông nghiệp; khai thác hiệu quả, đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, gắn quy hoạch sản xuất với bố trí lại dân cư hợp lý; có giải pháp thu ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2024; tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, công tác quản lý để phát triển, thu hút khách du lịch…
* UBND huyện Bảo Yên phát động phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2024
Chiều 18/12, UBND huyện Bảo Yên tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, triển khai Nghị quyết của Huyện ủy, Nghị quyết của HĐND huyện và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024. Hội nghị được tổ chức trực tuyến với các xã, thị trấn.
Năm 2023 là năm bứt phá thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII và Đề án xây dựng Bảo Yên đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết lãnh đạo với 5 nhiệm vụ trọng tâm, 5 địa bàn trọng điểm và 25 chỉ tiêu trên các lĩnh vực. Đây chính là cơ sở, kim chỉ nam để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.
Huyện Bảo Yên đã tận dụng tối đa nguồn lực, triển khai hiệu quả các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia như đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm… Năm 2023, Bảo Yên giảm 4,51% hộ nghèo, vượt mục tiêu đề ra, hiện tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện chỉ còn 8,01%…
Trong năm, huyện đã khởi công 41 công trình gồm trường học, chợ nông thôn, trạm y tế, trụ sở làm việc, công trình di tích, văn hóa… với tổng mức đầu tư hơn 454 tỷ đồng; hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 127 công trình đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài trên 280 km…
Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được ban hành tạo sự đột phá trong tư duy phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển từ nông nghiệp an sinh sang nông nghiệp hàng hóa. Bảo Yên đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa rõ nét, trong đó nổi bật là cây quế với diện tích hơn 25.000 ha, hoàn thành chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế cho trên 500 ha quế.
Với những đổi mới trong quảng bá, tổ chức các hoạt động, năm 2023, lượng khách du lịch đến huyện Bảo Yên ước đạt 1,4 triệu, doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 980 tỷ đồng.
Bảo Yên nhân rộng thành công mô hình “Chính quyền thân thiện” tại 17/17 xã, thị trấn; xây dựng thành công Phong trào “10 phút góp phần cải thiện môi trường” mang lại sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong việc hình thành nền nếp giữ gìn vệ sinh môi trường tại nơi ở, nơi làm việc, nơi học tập…
Năm 2024 với chủ đề: “Đoàn kết – kỷ cương – hành động – hiệu quả – phát triển”, Bảo Yên tiếp tục tập trung các nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Phát triển nông nghiệp – nông thôn và xây dựng nông thôn mới; phát triển du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống các dân tộc; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, quản lý quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng, tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án; cải cách hành chính, chuyển đổi số; kêu gọi, thu hút đầu tư nông – lâm nghiệp, gia công chế biến; tiếp tục thực hiện 5 địa bàn trọng điểm: Thị trấn Phố Ràng, xã Bảo Hà, xã Nghĩa Đô, xã Cam Cọn, xã Xuân Hòa.
Tại hội nghị, UBND huyện đã phát động phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 với một số chỉ tiêu cụ thể, như: Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp dự kiến đạt 240 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn đạt 96,05%; tổng sản lượng lương thực có hạt là 43.907 tấn; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác là 95 triệu đồng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 64,2%; số giường bệnh trên một vạn dân đạt 25 giường bệnh; tổng lượng khách du lịch đến địa bàn là 1,6 triệu lượt người…
Năm 2024 là năm quan trọng, quyết định đến việc hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025. Do vậy, ngay từ những ngày, những tháng đầu năm 2024, các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện tiếp tục tập trung triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, xác định rõ từng nội dung, từng nhiệm vụ, phân công trách nhiệm cho từng cá nhân và có lộ trình cụ thể đối với từng nội dung, nhiệm vụ; tăng cường tinh thần đoàn kết, thống nhất cả hệ thống chính trị – xã hội, tranh thủ sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân và doanh nghiệp để hoàn thành và hoàn thành vượt mức Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện đã giao năm 2024…