Tổ quản lý bảo vệ rừng thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan cùng với lực lượng Kiểm lâm tuần tra diện tích rừng trên địa bàn.
Đều đặn hàng tuần, Tổ quản lý bảo vệ rừng thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan lại cùng với lực lượng Kiểm lâm tuần tra diện tích rừng trên địa bàn. Hoàn thành nhiệm vụ của mình, mỗi năm, tổ được chi trả hàng trăm triệu đồng từ Quỹ dịch vụ môi trường rừng. Anh Lý Láo Sì, thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát cho biết: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp cùng kiểm lâm địa bàn đi tuần tra bảo vệ rừng, nếu có cháy rừng chúng tôi cùng phối hợp để chữa cháy”.
Cán bộ Kiểm lâm xã Phìn Ngan triển khai đến người dân về phòng, chống cháy rừng và hưởng lợi từ việc giữ gìn rừng.
Huyện Bát Xát hiện có hơn 32.200 ha rừng, trong đó có hơn 28.800 ha rừng đã được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Số tiền chi trả hằng năm là 21 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, các thôn, bản đã có thêm nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động cộng đồng, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác tuần tra, phòng, chống cháy rừng. Bà Chảo Kiều Mẩy, thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát chia sẻ: “Tham gia bảo vệ rừng, đi tuần tra rừng tôi cảm thấy rất là vui, vì bảo vệ rừng của thôn. Đi tuần tra rừng, tôi được nhận hơn 3 triệu 1 năm giúp cải thiện đời sống gia đình tôi”.
Các cán bộ kiểm lâm thực hiện kiểm tra, rà soát các khu vực rừng qua bản đồ.
Chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ rừng. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 19.700 đối tượng được hưởng lợi từ nguồn quỹ này. Đến tháng 11, toàn tỉnh đã giải ngân hơn 140 tỷ đồng để thanh toán dịch vụ môi trường rừng, chi hỗ trợ các chương trình, dự án lâm nghiệp và hoạt động nghiệp vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng. Ông Phạm Văn Đăng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh Lào Cai nói: “Kiểm tra, giám sát đến các đối tượng khi nhận tiền dịch vụ rừng, đặc biệt đối với ủy ban cấp xã thì thực hiện rất là tốt, đảm bảo tiền được hưởng chi trả công khai, đúng đối tượng, đúng diện tích”.
Bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng – cách làm không mới nhưng luôn được người dân ủng hộ. Giữ được rừng là giữ được nguồn nước, giữ được sự sống, bà con lại có thêm thu nhập từ nguồn dịch vụ môi trường rừng. Cách làm này đã giúp cho những cánh rừng đại ngàn luôn xanh ngút ngàn theo năm tháng.
Thu Hường – Công Hải