CTTĐT – Sáng ngày 18/12, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 Trung ương chủ trì Hội nghị trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố triển khai Quyết định số 484/QĐ-TTg ngày 07/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trung ương có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 cấp Trung ương; lãnh đạo Bộ Quốc phòng.
Các đại biểu theo dõi Hội nghị trực tuyến.
Tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo và các thành viên Tổ thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo tỉnh.
Đại biểu tại điểm cầu tỉnh Lào Cai.
Phát biểu khai mac Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình cho biết: Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp được thực hiện theo chu kỳ 10 năm/lần vào các năm có số lẻ là 5 và triển khai lần đầu tiên vào năm 1994. Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 là cuộc Tổng điều tra lần thứ 6 tổ chức tại Việt Nam và sẽ được tiến hành trên phạm vi cả nước vào ngày 01/7/2025.
Đây là 01 trong 03 cuộc Tổng điều tra thống kê quốc gia quy định và có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm phục vụ việc đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển nông thôn, khu vực nông lâm thủy sản và cải thiện mức sống dân cư nông thôn trên phạm vi cả nước, của từng địa phương. Đồng thời phục vụ nghiên cứu đánh giá quy mô, cơ cấu lao động nông thôn và lao động nông lâm thủy sản; thay đổi kết cấu hạ tầng nông thôn; xây dựng cơ sở dữ liệu về nông thôn và nông lâm thuỷ sản phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu…
Hội nghị là cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương đầu tiên kể từ khi thành lập; đề nghị Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố cùng báo cáo về công tác chuẩn bị, triển khai các nhiệm vụ Tổng điều tra; thảo luận, trao đổi những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ và đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương, với Chính phủ. Đồng thời Phó Thủ tướng nhấn mạnh các cấp, các ngành, địa phương phải có quyết tâm chính trị cao, tinh thần trách nhiệm lớn để thực hiện hiệu quả, thành công cuộc Tổng điều tra.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình phát biểu tại Hội nghị (ảnh chụp màn hình).
Theo Quyết định số 484/QĐ-TTg ngày 07/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 thu thập thông tin 03 nhóm chính: Thực trạng nền sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; thực trạng nông thôn; thông tin về cư dân nông thôn. Thời gian tổ chức thực hiện vào ngày 01/7/2025; thời gian thu thập thông tin trong 30 ngày, từ ngày 01 – 30/7/2025; kết quả sơ bộ được công bố vào tháng 12/2025; kết quả chính thức được công bố vào tháng 3/2026; các báo cáo phân tích chuyên đề được công bố vào tháng 7/2026.
Đến nay đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương. 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ thường trực giúp việc cấp tỉnh; 511/610 quận, huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo và 484/610 quận, huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Tổ thường trực giúp việc cấp huyện; 5.600/8.121 phường, xã, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã. Tháng 4/2024 đã thực hiện điều tra thí điểm Tổng điều tra tại 05 tỉnh: Hải Dương, Phú Thọ, Nghệ An, Lâm Đồng, Tiền Giang. Đã ban hành Phương án Tổng điều tra để các cấp, ngành, địa phương căn cứ triển khai thực hiện.
Phiếu điều tra sử dụng trong Tổng điều tra năm 2025 gồm 07 loại phiếu và 05 mẫu biểu tổng hợp các danh sách phục vụ phân chia địa bàn điều tra, xác định đơn vị điều tra. Đến nay, về cơ bản tất cả các loại phiếu điều tra đã được dự thảo và tiếp tục hoàn thiện. Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn năm 2025 ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn. Đặc biệt sử dụng các phiếu điều tra điện tử (trừ Bộ Quốc phòng); sử dụng trang thông tin quản lý điều hành; ứng dụng học máy trong kiểm tra mã ngành của các hộ tham gia cung cấp thông tin; ứng dụng định vị của hộ dân cư trong kiểm tra, giám sát thu thập thông tin tại địa bàn.
Báo cáo tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn năm 2025 được thiết kế có 07 điểm mới so với các kỳ trước: (1) Thông tin thu thập nhiều hơn; (2) Thu thập thông tin với mức độ bao phủ đầy đủ hơn; (3) Thay đổi về thiết kế và phương pháp thực hiện phiếu bảng kê hộ; (4) Kết nối thông tin của Phiếu trang trại và Phiếu hộ dân cư; (5) Khai thác tối đa dữ liệu hành chính và dữ liệu điều tra hiện có; (6) Thay đổi về hình thức thu thập thông tin sử dụng phiếu điều tra điện tử (CAPI, Webform) và cách thức quản lý dữ liệu trực tuyến; (7) Ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, làm sạch và hoàn thiện số liệu. Trong thời gian tới tiếp tục hoàn thiện tài liệu tổng điều tra, các phần mềm ứng dụng và hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin; tổ chức 02 hội nghị tập huấn nghiệp vụ tổng điều tra và các công tác chuẩn bị khác; thực hiện công tác thu thập thông tin bảng kê hộ và chọn mẫu điều tra; tổ chức điều tra thu thập thông tin.
Lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam tham gia ý kiến tại Hội nghị.
Thảo luận tại Hội nghị, đại diện một số bộ, ngành Trung ương đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần hoàn thiện kế hoạch tổng điều tra tại địa phương; đảm bảo đủ số lượng điều tra viên theo quy định; tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo cho các đối tượng tham gia; mở các chuyên trang, chuyên mục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến về cuộc Tổng điều tra; thông tin về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc Tổng điều tra đến các đối tượng, đặc biệt là người nông dân, hợp tác xã; tiếp tục hoàn thiện phiếu điều tra, mẫu thu thập thông tin, các phần mềm ứng dụng, thực hiện công nghệ số; đảm bảo chính xác về thời gian, số liệu thu thập, điều tra, thực hiện khâu kiểm chứng, lường trước các sai số, loại trừ thông tin chưa chuẩn xác; lưu ý đến việc lựa chọn địa bàn điều tra do hiện nay đang thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; đảm bảo công tác hậu cần, bố trí kinh phí cần đầy đủ, kịp thời;…
Đại biểu tại điểm cầu địa phương tham gia ý kiến.
Đại diện các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo tiến độ triển khai thực hiện Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn năm 2025 về thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ thường trực giúp việc; tiếp thu kinh nghiệm của các cuộc tổng điều tra trước và cuộc điều tra thí điểm để áp dụng thực hiện trong cuộc Tổng điều tra lần này; khẳng định quyết tâm cao thực hiệm đảm bảo thời gian, tiến độ, chất lượng cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025. Đồng thời đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương sớm tổ chức tập huấn, đào tạo cho các địa phương; rà soát, hoàn thiện các phần mềm ứng dụng, lưu trữ dữ liệu, tài liệu hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện tránh sai sót; thiết kế ứng dụng để thuận tiện cho các điều tra viên trao đổi trong quá trình triển khai thực hiện cuộc tổng điều tra; quan tâm nghiên cứu, xem xét điều chỉnh định mức kinh phí phù hợp cho các điều tra viên tham gia cuộc Tổng điều tra…
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Nguyễn Hoà Bình biểu dương, đánh giá cao Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị chu đáo các nội dung cho cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025; các địa phương đã tích cực vào cuộc triển khai thực hiện. Đồng chí nhấn mạnh lại ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc Tổng điều tra là cuộc điều tra có quy mô rộng, nhiều điểm mới và yêu cầu Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố quan tâm đến việc chỉ đạo, triển khai cuộc Tổng điều tra. Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê tiếp thu ý kiến của các đại biểu bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố tại Hội nghị hôm nay để nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương cũng đặc biệt nhấn mạnh đến công tác tổ chức đào tạo, tập huấn, đặc biệt là về ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến các đối tượng điều tra để hiểu và cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác; lựa chọn điều tra viên tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm; thực hiện chế độ, chính sách cho các điều tra viên… Các bộ, ngành, tổ chức Trung ương liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được phân công đảm bảo kết quả điều tra thực chất, chính xác nhất; phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để cùng tháo gỡ, giải quyết. Các địa phương khẩn trương hoàn thành việc thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc các cấp; tuyển chọn điều tra viên… nhằm tổ chức thành công cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025./.