Ngày 5/4, tại trụ sở Bộ Công Thương (Hà Nội), UBND thị xã Sa Pa tổ chức Hội thảo Giải pháp phát triển Khu Du lịch quốc gia Sa Pa đặc sắc, hấp dẫn, thân thiện, chuyên nghiệp – hướng tới Đô thị du lịch sạch ASEAN. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện “Ngày hội văn hóa du lịch Sa Pa tại Hà Nội”.
Tới dự hội thảo có lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Cục Di sản văn hóa; lãnh đạo UBND thị xã Sa Pa, Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai cùng các chuyên gia, nhà khoa học, các công ty lữ hành trong nước và quốc tế.
Báo cáo tại hội thảo, ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết: Với sự chung tay của đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương, hoạt động du lịch của Sa Pa ngày càng phát triển cả về chất và lượng. Nhiều địa danh của Sa Pa đã được đánh giá, bình chọn với những danh hiệu ấn tượng như: 1/50 thị trấn đẹp nhất thế giới; 1/14 điểm đến cần phải khám phá khi tới châu Á; 1/10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Đông Nam Á… Một số sản phẩm du lịch đặc trưng của Sa Pa đã được định vị thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới: 1/7 ruộng bậc thang đẹp – kỳ vĩ nhất thế giới; 1/10 đường mòn đẹp nhất thế giới, Giải Mountain Marrathon thách thức nhất châu Á…
Với những lợi thế đó, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg, ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định Sa Pa là 1 trong 45 khu vực tiềm năng để phát triển thành khu du lịch quốc gia và là 1 trong 12 đô thị du lịch của Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, trong những năm qua, du lịch Sa Pa còn bộc lộ một số hạn chế và thách thức như: Sự tăng trưởng nhanh về lượng khách tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng; sự phát triển của các dự án, công trình xây dựng làm ảnh hưởng cân bằng sinh thái, cảnh quan; quá trình đô thị hóa nhanh làm giảm không gian văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Cơ sở vật chất chuyên ngành về du lịch và sản phẩm du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách; nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, tính chuyên nghiệp chưa cao đặc biệt sau đại dịch Covid-19; du lịch cộng đồng chưa rõ nét, tình trạng trẻ em chèo kéo, đeo bám và ăn xin vẫn chưa được giải quyết triệt để…
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận, đóng góp ý kiến định hướng cho chiến lược phát triển du lịch Sa Pa trong thời gian tới. Các ý kiến sẽ là những tư liệu, luận cứ khoa học giúp thị xã Sa Pa nghiên cứu, tiếp thu và tổng hợp thành các nhóm giải pháp quan trọng, định hướng cho chiến lược phát triển du lịch Sa Pa thêm đặc sắc, hấp dẫn, thân thiện, chuyên nghiệp – hướng tới Đô thị du lịch sạch ASEAN trong thời gian tới.