Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; đại diện phòng quản lý đô thị, phòng kinh tế và hạ tầng, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Ngày 17/3/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg phê duyệt lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng.
Theo đó, giai đoạn 1 (từ năm 2023), áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.
Giai đoạn 2 (từ năm 2025), áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.
Tại hội thảo, đại diện Viện Kinh tế xây dựng đã giới thiệu tổng quan về Mô hình thông tin công trình (BIM), kinh nghiệm áp dụng BIM trong các dự án triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua và lộ trình áp dụng BIM trong thời gian tới; việc áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong quá trình thiết kế nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thiết kế; tăng cường quá trình trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, chủ đầu tư, tổ chức tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng.
Kết quả theo dõi việc áp dụng BIM của Bộ Xây dựng giai đoạn 2017 – 2021 cho thấy, BIM góp phần rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng công tác thiết kế, thi công và quản lý dự án đầu tư xây dựng (tiết kiệm chi phí dự án đến 12%, rút ngắn thời gian thi công xây dựng từ 12 – 15% so với tiến độ được duyệt). Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, việc sử dụng mô hình BIM được xem như là công cụ để hỗ trợ trong quá trình thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở; cấp phép xây dựng; quản lý xây dựng; kiểm tra công tác nghiệm thu…
Hội thảo nhằm phổ biến, nâng cao nhận thức về BIM, tính hiệu quả của việc áp dụng BIM trong ngành xây dựng đến các sở, ngành, địa phương, đơn vị tư vấn, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh; từ đó có thể áp dụng BIM một cách hiệu quả, theo đúng lộ trình của Chính phủ đề ra.
.