Dự hội thảo có các đồng chí: Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Toàn Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; lãnh đạo các ban xây dựng Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy, Tỉnh đoàn, Trường Chính trị tỉnh; đại diện Viện Khoa học tổ chức cán bộ và một số vụ thuộc Ban Tổ chức Trung ương; Thường trực cấp ủy, lãnh đạo Ban Tổ chức các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, Đảng ủy Khối Cơ quan – Doanh nghiệp tỉnh; bí thư cấp ủy, hiệu trưởng Phân hiệu Đại học Thái Nguyên, Trường Cao đẳng Lào Cai, các trường THPT và liên cấp THPT trên địa bàn tỉnh; bí thư, giám đốc các Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề và giáo dục thường xuyên tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố…
Kết quả phát triển đảng viên là học sinh, sinh viên chưa xứng với tiềm năng
Đề dẫn tại hội thảo do Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phạm Toàn Thắng trình bày khẳng định: Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quan tâm, chăm lo bồi dưỡng, đào tạo thế hệ trẻ; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng học sinh, sinh viên ưu tú, tiêu biểu.
Thấm nhuần tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc phát hiện, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng là thanh niên, học sinh, sinh viên ưu tú luôn là chủ trương xuyên suốt quá trình lãnh đạo của Đảng. Trung ương Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết liên quan đến công tác phát triển đảng viên là học sinh, sinh viên.
Đối với Lào Cai, số trường THPT, trường chuyên nghiệp và số lượng học sinh, sinh viên còn khiêm tốn nhưng những năm qua, công tác phát triển đảng trong học sinh, sinh viên của tỉnh đã được các cấp ủy, các trường, giáo viên, các cơ quan, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đề ra nhiều giải pháp; nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Trung ương; chủ động ban hành các văn bản cụ thể hóa và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên; một số chi, đảng bộ nhà trường đã ban hành nghị quyết chuyên đề để có kế hoạch tạo nguồn, kết nạp đảng viên trong thời gian tới. Các tổ chức đoàn, hội được chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sôi nổi, hiệu quả hơn nhằm thu hút, tập hợp, giáo dục, vận động đoàn viên, hội viên, sinh viên, học sinh tìm hiểu về Đảng để từ đó phát hiện, lựa chọn nhân tố tích cực trong cán bộ, đoàn viên, hội viên, quần chúng, người có uy tín để giới thiệu cho Đảng.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, kết quả công tác kết nạp đảng viên là học sinh, sinh viên thời gian qua của tỉnh chưa xứng tầm với số lượng hơn 15.000 học sinh, sinh viên của 2 trường chuyên nghiệp và 38 trường THPT. Bên cạnh đó, công tác phát triển đảng viên cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Còn cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ về công tác kết nạp đảng viên trong học sinh, sinh viên; một bộ phận học sinh, sinh viên trong các trường học nhận thức chính trị còn hạn chế, chưa có động cơ phấn đấu vào Đảng; hoạt động của đoàn thanh niên trong các nhà trường cũng đang đặt ra nhiều khó khăn, thời gian học tập nhiều nên không có nhiều hoạt động phong trào để học sinh, sinh viên tham gia từ đó phát hiện, lựa chọn nhân tố tích cực trong cán bộ đoàn, đoàn viên để giới thiệu nguồn cảm tình Đảng…
Để công tác phát triển đảng viên là học sinh, sinh viên ngày càng tốt hơn, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tổ chức hội thảo, nhằm đánh giá những kết quả đạt được và những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, đưa ra những giải pháp cụ thể, giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, các nhà trường trong toàn tỉnh nghiên cứu, áp dụng triển khai trong thời gian tới, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chương trình số 167-CT/TU của Tỉnh ủy đã đề ra.
Toàn tỉnh kết nạp 40 đảng viên là học sinh, sinh viên
Theo báo cáo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, từ khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 30/5/1998 về tăng cường công tác chính trị tư tưởng; củng cố tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong các trường học, đến nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã phát triển được 40 đảng viên là học sinh, sinh viên. Từ năm 1998 – 2002 kết nạp được 21 đảng viên là học sinh, sinh viên sau đó bị gián đoạn, đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI mới tiếp tục được triển khai thực hiện. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh kết nạp được 19 đảng viên (riêng năm 2023 kết nạp được 14 đảng viên), trong đó 13 học sinh và 6 sinh viên; 10 đảng viên nữ; 8 đảng viên người dân tộc thiểu số; 13 đảng viên đủ 18 tuổi, 3 đảng viên dưới 22 tuổi và 3 đảng viên trên 22 tuổi.
Từ năm 2020 đến nay, các đảng bộ đã giới thiệu 157 học sinh, sinh viên ưu tú tham gia học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, trong đó, Đảng ủy Khối Cơ quan – Doanh nghiệp tỉnh 128 quần chúng; Huyện ủy Bát Xát 10 quần chúng; Huyện ủy Bảo Thắng và Thành ủy Lào Cai mỗi đơn vị 8 quần chúng; Huyện ủy Văn Bàn 2 quần chúng và Thị ủy Sa Pa 1 quần chúng.
4 bài học kinh nghiệm
Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng chỉ ra 4 bài học kinh nghiệm trong phát triển đảng viên là học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh thời gian qua:
Một là, ở đâu cấp ủy đảng xác định được công tác phát triển đảng viên là học sinh, sinh viên là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, nhằm bổ sung lực lượng, trẻ hóa đội ngũ đảng viên, bảo đảm tính kế thừa và phát triển của Đảng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, là cơ sở nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng thì ở đó gặt hái được nhiều thành quả trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng viên.
Hai là, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, giáo viên trong các nhà trường luôn có nhận thức đầy đủ, xem trọng trọng vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên; thường xuyên có định hướng rõ ràng về bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, cũng như vun đắp những ước mơ, hoài bão, cống hiến cho Tổ quốc thì ở đó tạo được nguồn kết nạp đảng viên là học sinh, sinh viên.
Ba là, ở đâu cấp ủy kiên trì, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đoàn thanh niên trong các nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua yêu nước, đổi mới phương thức hoạt động thì ở đó lựa chọn được nhân tố tích cực trong cán bộ đoàn, đoàn viên để giới thiệu nguồn kết nạp vào Đảng.
Bốn là, ở đâu cấp ủy làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, khen thưởng đối với các tổ chức đảng trong công tác kết nạp đảng viên thì ở đó làm tốt công tác tạo nguồn, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt công tác kết nạp đảng viên trong học sinh, sinh viên.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy kiến nghị, thời gian tới, Trung ương có hướng dẫn thống nhất tiêu chí cụ thể về phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên; thống nhất cách tính tuổi khi kết nạp học sinh vào Đảng; xây dựng hướng dẫn, nội dung, chương trình bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng viên phù hợp với đối tượng là học sinh, sinh viên.
Coi trọng bồi dưỡng, phát triển đảng viên là học sinh, sinh viên
Tại hội thảo, các đại biểu đã phát biểu thảo luận, làm rõ thêm thực trạng, kết quả cũng như những khó khăn trong công tác kết nạp đảng viên; nêu những ý kiến, giải pháp công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên là học sinh, sinh viên.
Ý kiến đại biểu cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, độ tuổi đối với việc phát triển đảng viên là học sinh, sinh viên phù hợp với thực tế từng vùng; cần có những quy định mang tính đặc thù…
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao các ý kiến tham luận của các đại biểu, đồng thời nêu một số vấn đề liên quan đến công tác phát triển đảng viên là học sinh, sinh viên, trong đó nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nhận thức. Bởi phía cấp ủy các cấp, các nhà trường có nhận thức đúng, mới quan tâm tạo môi trường rèn luyện, giác ngộ lý tưởng, động cơ phấn đấu trở thành đảng viên cho học sinh, sinh viên. Nhận thức của chính bản thân học sinh, sinh viên và từng gia đình, từ đó mới có ý thức phấn đấu, rèn luyện đúng đắn và từ sớm…
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị quan tâm đến phát triển đảng là đối tượng học sinh, sinh viên ở khu vực miền núi, trong hệ thống các trường nội trú, các địa bàn khó khăn biên giới, có đông đồng bào tôn giáo… từ đó xây dựng đội ngũ đảng viên đồng bộ, thống nhất, thực sự là lực lượng cách mạng có bản lĩnh chính trị vững vàng, đúng như Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nhấn mạnh yêu cầu: Coi trọng chất lượng phát triển đảng viên, quan tâm phát triển đảng viên trong đoàn viên, thanh niên và công đoàn, hội viên ưu tú, quần chúng tiêu biểu, nhất là ở địa bàn khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo, khu vực kinh tế ngoài nhà nước, vùng dân tộc thiểu số.
Cần quan tâm đổi mới nội dung, khung chương trình bồi dưỡng tìm hiểu về Đảng theo hướng ngắn gọn, gắn với thực tiễn, phù hợp với đối tượng học viên là học sinh, sinh viên; đề cao vai trò người được phân công theo dõi, giúp đỡ học sinh, sinh viên để phát triển đảng; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, trong đó đoàn thanh niên làm nòng cốt định hướng tư tưởng, nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là các phong trào thi đua để phát hiện những nhân tố học sinh, sinh viên tích cực giới thiệu cho Đảng xem xét bồi dưỡng, kết nạp…