Các đồng chí: Hứa Tân Hưng, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh; Lưu Thị Sim, Nguyễn Thị Vân Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh đồng chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có lãnh đạo, đại diện Sở Lao động – Thương binh và xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Trường Cao đẳng Lào Cai, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai; Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Văn Bàn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp & Giáo dục thường xuyên huyện Bảo Thắng và thành phố Lào Cai; Trung tâm dạy nghề tư thục Phú Minh.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo do đồng chí Hứa Tân Hưng, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh trình bày nêu rõ, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Lào Cai thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực trên các phương diện như tăng số lượng người học và số ngành nghề đào tạo. Đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, quản lý công tác đào tạo nghề và nhận thức của người dân về lợi ích học nghề ngày càng nâng lên.
Tính đến 30/6/2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh được cấp phép đào tạo 101 mã nghề (trong đó, trình độ cao đẳng là 23 mã nghề; trung cấp có 28 mã nghề và sơ cấp là 50 mã nghề).
Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 547 lớp, cấp chứng chỉ cho 19.690 học viên (chỉ tính riêng trong giai đoạn 2021 – 2023 đã đào tạo được 285 lớp cho 10.649 học viên, đạt 67,5% kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025).
Các ngành nghề chủ yếu tập trung vào trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp phù hợp với định hướng sản xuất nông nghiệp chủ lực của tỉnh và định hướng của Trung ương về học các ngành nghề ở vùng Trung du, miền núi Bắc bộ.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm, đánh giá toàn diện trên các phương diện quản lý, tổ chức thực hiện đào tạo và hiệu quả sau đào tạo.
Để làm rõ thực trạng về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, hội thảo đã tập trung đánh giá tổng quan công tác đào tạo nghề từ những chủ trương của Tỉnh ủy và gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong đào tạo nghề; việc tuyên truyền, tư vấn cho người lao động; hoạt động liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề; công tác kiểm tra giám sát, hướng dẫn tổ chức thực hiện đào tạo nghề…
Các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá công tác đào tạo nghề trên phương diện đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, đơn vị đào tạo nghề và kết quả khảo sát nhu cầu về nghề đã được triển khai hằng năm; những khó khăn, vướng mắc và yếu tố tác động đến kết quả; việc liên kết trong đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động; nâng cao chất lượng trong đào tạo nghề từ góc độ tuyên truyền, tổ chức đào tạo về lý thuyết và thực hành;…
Một số giải pháp trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Tăng cường quản lý, đổi mới công tác đào tạo nghề
Cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, coi công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, góp phần xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của mỗi địa phương.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tuyên truyền, tập trung về quyền và lợi ích của người học, cá nhân, tập thể tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nghiên cứu xem xét chỉ tiêu thực hiện một số mã ngành trọng điểm đảm bảo phù hợp nhu cầu thực tế; tăng cường tổ chức đào tạo nghề trung cấp, cao đẳng, giảm đào tạo nghề sơ cấp, dưới 3 tháng theo hướng liên kết, liên thông với nhu cầu tuyển dụng.
Các cơ sở đào tạo cần làm tốt khâu khảo sát, tư vấn về học nghề, xây dựng kế hoạch ban đầu phù hợp với thực tế; đẩy mạnh việc đào tạo nghề theo địa chỉ, đảm bảo đầu ra cho người lao động sau học nghề.
Đào tạo nghề cho các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa
Để đáp ứng yêu cầu lao động của sản xuất nông nghiệp hàng hóa cần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dạy nghề; đẩy mạnh triển khai có hiệu quả đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với đào tạo nghề; thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Cần tập trung đào tạo nghề cho các ngành hàng chủ lực, vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã để đến năm 2025 diện tích chè đạt trên 8.400 ha, sản lượng khoảng 70.000 tấn; cây chuối diện tích 3.500 ha, sản lượng 70.000 tấn; dược liệu 4000 ha, sản lượng 25.000 tấn; cây dứa 2.500 ha, sản lượng 52.000 tấn; cây quế 52.000 ha, giá trị trên 1.200 tỷ đồng; chăn nuôi lợn 600.000 con, giá trị 2.200 tỷ đồng.
Tăng cường liên kết với doanh nghiệp
Để công tác dạy và học đạt hiệu quả cao cần liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, giúp học viên được học nghề phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và thị trường lao động. Đồng thời giúp doanh nghiệp chọn được nguồn lao động có chất lượng, đúng và phù hợp với lĩnh vực kinh doanh hoạt động của mình, không phải tập huấn, đào tạo lại.
Các công ty, doanh nghiệp tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, thực tập, thực nghề giúp người học có kỹ năng nghề, thích ứng với môi trường làm việc. Cùng với đó, phương pháp giảng dạy “cầm tay chỉ việc” dễ hiểu, dễ nhớ, thực hành trên máy, trang thiết bị hiện đại, môi trường công nghiệp; thái độ và tác phong làm việc chuyên nghiệp giúp đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng, năng suất lao động cũng cao hơn.
Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp
Tỉnh Lào Cai cần tiếp tục quan tâm thu hút doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, bởi lợi thế của địa phương cơ bản vẫn là nông nghiệp, phần lớn dân cư sinh sống ở nông thôn. Việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp sẽ tạo ra nhu cầu lao động việc làm lớn hơn, từ đó thu hút người dân đi học nghề, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở rộng ngành nghề đào tạo.
Khi doanh nghiệp đến đầu tư, các cấp, ngành trên địa bàn cũng đề xuất với đơn vị nhằm tạo điều kiện, ưu tiên cho người dân địa phương vào làm việc; ký kết hợp tác, hỗ trợ đào tạo nghề giữa doanh nghiệp với chính quyền nhằm nâng cao trình độ, tay nghề và đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu cùng quá trình nghiên cứu, khảo sát thực tế, Trường Chính trị tỉnh sẽ tổng hợp, gửi báo cáo tổng kết đến Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để tiếp tục có những lãnh, chỉ đạo sát sao, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh thời gian tới.