Dự hội thảo có đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí Trung ương.
Về phía tỉnh Vĩnh Phúc có đồng chí Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Bùi Huy Vĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Tham dự hội thảo có lãnh đạo của 25 báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, đồng chí Hoàng Thị Nhung, Tổng Biên tập Báo Vĩnh Phúc khẳng định: Xây dựng nông thôn mới là chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đây là dịp báo để Đảng các tỉnh, thành phố trong khu vực trao đổi kinh nghiệm để có nhiều hoạt động tuyên truyền hiệu quả, góp phần vào thành công trong việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Hội thảo đã đưa ra những vấn đề cụ thể trong công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; khẳng định vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao; đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí; những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm từ thực tiễn của các báo Đảng, địa phương khi tổ chức tuyên truyền về đề tài này.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền hiệu quả, đại diện các báo đảng địa phương đã chia sẻ những giải pháp, kinh nghiệm như: tuyên truyền tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, vận động người dân tham gia, đóng góp nguồn lực xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền kết quả và kinh nghiệm triển khai thực hiện mô hình sản xuất liên kết “4 nhà” trong xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền giữ vững, đảm bảo an ninh nông thôn; tuyên truyền chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn mới thông minh.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Hoàng Anh khẳng định: Hội thảo báo Đảng các tỉnh phía Bắc là hoạt động rất thiết thực, tạo cơ hội cho các báo trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nghiệp vụ; xây dựng hướng “liên kết” trong tuyên truyền, phát huy thế mạnh của mỗi cơ quan báo chí đóng góp tích cực vào sự phát triển của mỗi tỉnh, thành, khu vực và cả nước.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp, chia sẻ, hỗ trợ của các cơ quan báo Đảng trong khu vực để các cơ quan báo chí tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình, đóng góp tích cực cùng Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị hoàn thành tốt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.
Phát biểu tại hội thảo, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm khẳng định, báo Đảng các địa phương đã phản ánh được không khí chung tay xây dựng nông thôn mới, cung cấp cho độc giả cái nhìn sinh động, toàn cảnh trên nhiều lĩnh vực, tại nhiều địa phương, cơ sở. Tuy nhiên, trong công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới nói chung và xã nông thôn mới, làng văn hóa kiểu mẫu nói riêng cũng còn những hạn chế, bất cập nhất định.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, để chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng nhanh chóng đi vào thực tiễn, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp chính quyền, đặc biệt là các cơ quan báo chí trong tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên, nông dân; tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, trong huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, cổ vũ khuyến khích các tổ chức, đơn vị đồng tâm hiệp lực chung tay xây dựng nông thôn mới, hiệu quả, thiết thực.
Phó Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đề nghị báo Đảng các địa phương sẽ tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, áp dụng các phương thức truyền thông mới, hiện đại, bắt kịp xu thế chuyển đổi số; tích cực phát hiện và có các phương thức tuyên truyền phù hợp, hấp dẫn, lan tỏa những mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới; chú trọng công tác tuyên truyền về văn hóa, phải coi văn hóa là yếu tố căn bản, cơ bản để có xã nông thôn mới nâng cao; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cơ quan chủ quản, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của công tác thông tin, tuyên truyền…
Tại hội thảo, Báo Vĩnh Phúc đã trao Cờ đăng cai tổ chức Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ 29, năm 2024 cho Báo Bắc Giang (ảnh trên).
Một số giải pháp tuyên truyền xây dựng nông thôn mới của các báo Đảng địa phương:
Báo Bắc Giang: Trong quá trình thực hiện tuyên truyền cần chú trọng các chuyên đề sâu có tính kiến giải, chỉ đạo, định hướng, tổng kết thực tiễn, từ đó tham mưu với tỉnh chủ trương, biện pháp lãnh đạo kịp thời, hiệu quả; chỉ đạo và phân công các bộ phận nghiệp vụ chủ động xây dựng các chuyên trang, chuyên đề, chuyên mục theo từng thời điểm thích hợp.
Cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tinh thông nghiệp vụ, đặc biệt là am hiểu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Báo Thái Bình: Ban biên tập quán triệt công tác tuyên truyền xây dựng NTM và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó trọng tâm phát triển chuỗi liên kết sản xuất là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất trong triển khai thực hiện của các phòng và tất cả phóng viên. Chỉ đạo xây dựng tuyến thông tin rõ ràng.
Xây dựng đề cương, kịch bản chi tiết, tổ chức thảo luận kỹ trước khi triển khai. Trong tuyên truyền chú trọng bám sát từng chủ đề, từng giai đoạn để bảo đảm đúng, trúng, phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại cũng như hình thức thể hiện. Những tác phẩm chất lượng tốt, ngoài nhuận bút theo quy định đều được khen thưởng kịp thời, qua đó tạo động lực cho phóng viên.
Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh: Đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nhân vật trọng tâm là người nông dân thời đại 4.0 và một môi trường nông thôn mới thông minh, nền nông nghiệp chất lượng cao. Do đó, đội ngũ phóng viên chuyên trách không ngừng nỗ lực, dành nhiều trách nhiệm, tâm huyết hơn nữa tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đi sâu, đi sát tìm hiểu đời sống người dân để phản ánh diễn biến thực tế đời sống nông thôn.
Các bài viết không chỉ đơn thuần phản ánh sự việc, sự kiện mà còn có những phát hiện nguyên nhân và đưa ra những giải pháp khắc phục; bài viết phải có tính phản biện xã hội cao, định hướng dư luận hiệu quả.
Báo Thái Nguyên: Để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới phải xây dựng kế hoạch hằng năm; mở chuyên trang, chuyên mục trên các ấn phẩm và tăng cường thể hiện các tác phẩm báo chí đa phương tiện, đa nền tảng.
Tuyên truyền nhanh, đầy đủ, chính xác, kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới cũng như nông thôn mới nâng cao đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân.