Sáng 14/9, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến góp ý Đề án “Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ”.
Đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Lào Cai có các đồng chí: Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Toàn Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; lãnh đạo Ban Tổ chức các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.
Theo dự thảo do Ban Tổ chức Trung ương được giao chủ trì soạn thảo, Quy định có 4 chương, 9 điều gồm: Chương I quy định chung; chương II thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu; chương III xác định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm; chương IV tổ chức thực hiện.
Quy định này quy định thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ. Quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong nhận xét, đánh giá cán bộ; quy hoạch cán bộ; bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; quản lý cán bộ.
Đối với việc xác định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm, Quy định nêu rõ: Người đứng đầu phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm khi cán bộ do mình trực tiếp đề xuất, giới thiệu theo Quy định này vi phạm khuyết điểm, bị xử lý kỷ luật, xử lý bằng pháp luật kể cả khi người đứng đầu đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu. Người đứng đầu được xem xét không áp dụng hình thức kỷ luật hoặc giảm nhẹ hình thức kỷ luật khi đã chủ động, kịp thời phát hiện, ngăn chặn sai phạm và xử lý nghiêm minh cán bộ vi phạm, báo cáo cấp có thẩm quyền; hoặc cán bộ do mình đề xuất, giới thiệu đã chuyển đến cơ quan, đơn vị mới công tác và hành vi vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật xảy ra ở đơn vị mới. Nếu người đứng đầu bao che, không cương quyết xử lý nghiêm minh sai phạm của cán bộ cấp dưới, nhất là cán bộ do mình đề xuất, giới thiệu, không kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền thì phải bố trí chuyển công tác hoặc bị xem xét xử lý trách nhiệm tương đương.
Thảo luận tại hội nghị, các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết ban hành quy định để nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, đề xuất thay đổi, bổ sung từ ngữ, làm rõ hơn một số khái niệm trong quy định. Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một số nội dung vào các điều, khoản trong quy định về phạm vi điều chỉnh; thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong nhận xét, đánh giá cán bộ, quy hoạch cán bộ, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, quản lý cán bộ; xác định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, bổ sung thêm một số căn cứ chặt chẽ hơn để thực hiện quy định mang tính khả thi…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ Đề án “Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ” sẽ được trình Bộ Chính trị trong tháng 10.
Việc xây dựng đề án nhằm giải quyết vấn đề quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu. Quy định này dựa những nguyên tắc cơ bản như: Đảng thống nhất lãnh đạo, quản lý cán bộ; tập trung dân chủ… và trên cơ sở thực hiện đồng bộ các quy định đã có, làm rõ thêm trách nhiệm của người đứng đầu.
Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương tiếp thu toàn bộ ý kiến đóng góp của đại biểu tại hội nghị, trong đó nhiều ý kiến đánh giá là rất cần thiết phải trình Bộ Chính trị nội dung Quy định này; Quy định ban hành không thay thế các quy định hiện hành. Một số ý kiến đề nghị các nội dung phải rõ hơn như: Tên gọi, phạm vi, đối tượng điều chỉnh; quy định về thẩm quyền và trách nhiệm… Ban Tổ chức sẽ tiếp thu, chỉnh sửa để Quy định thực sự mang hơi thở của cuộc sống, sát thực tiễn…