Trước kia, vào khoảng thời gian nông nhàn, ruộng đất tại xã Bản Hồ bị bỏ hoang, tuy nhiên bây giờ đã khác. Trên cánh đồng các thôn La Ve và Bản Dền hiện phủ xanh bởi những ruộng dưa leo, chỉ khoảng 1 – 2 tuần nữa là vụ dưa leo thứ 2 sẽ ra quả và thời gian ngắn sau đó sẽ cho thu hoạch.
Gia đình anh Lù A Chuyên ở thôn La Ve là một trong những hộ tham gia trồng dưa leo tăng vụ với quy mô lớn của xã, với 900 m2. Hơn tháng nay, ngày nào anh Chuyên cũng “bám” ruộng chăm sóc dưa leo để đảm bảo quả đúng kích cỡ và tiêu chuẩn. Gia đình anh Chuyên thuộc diện khó khăn, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào cấy lúa và chăn nuôi. Trước đây, mỗi năm gia đình anh chỉ làm 1 vụ lúa mùa, thu nhập trung bình 15 triệu đồng. Sau khi thu hoạch vụ mùa, anh thường để đất trống hoặc làm nơi thả trâu, bò. Năm nay, được Hội Nông dân xã vận động, gia đình anh quyết định tham gia mô hình trồng dưa leo tăng vụ. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật do cán bộ Hội Nông dân xã hướng dẫn mà ngay trong vụ đầu tiên, gia đình anh đã thu hoạch hơn 3 tấn dưa leo, thu về 20 triệu đồng. Từ kết quả đó, đầu năm nay, anh mạnh dạn tự đầu tư giống để trồng thêm vụ nữa trước khi vào vụ lúa mới.
Anh Chuyên tâm sự: Vụ dưa leo này sẽ năng suất hơn vụ dưa leo trước vì tôi đã nắm rõ quy trình chăm sóc. Hiện dưa bắt đầu ra quả. Nếu thuận lợi, vụ này tôi sẽ thu hoạch được khoảng 10 tấn dưa leo.
Tương tự, gia đình chị Vàng Thị Luyến ở thôn La Ve cũng thuộc diện hộ nghèo. Theo chị Luyến, gia đình trước đây chỉ trồng lúa phục vụ nhu cầu chứ không bán nên không có thu nhập. Năm nay thấy các hộ trong thôn trồng dưa leo, chị cũng đăng ký tham gia với hy vọng có thu nhập cao từ cây trồng mới này. Nhờ được tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, tưới tiêu đầy đủ nên 500 m2 dưa leo của gia đình chị phát triển tốt. Từ đầu vụ đến nay, gia đình chị đã thu về hơn 2,5 tấn quả dưa, bán với giá khoảng 5.500 đồng/kg, thu nhập hơn 13 triệu đồng…
Xã Bản Hồ có hơn 20 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo được tham gia mô hình trồng dưa leo tăng vụ trên đất ruộng, với quy mô 4 ha/vụ. Các hộ được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh và thu hoạch; được hỗ trợ kinh phí mua hạt giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; được hỗ trợ theo dõi tình hình sinh trưởng và hướng dẫn chăm sóc, thu hoạch.
Sau gần 7 tháng triển khai, mô hình trồng dưa leo tăng vụ trên đất ruộng đã cho kết quả. Theo thống kê của Hội Nông dân thị xã Sa Pa, vụ thứ nhất, các hộ thu hái được 23 đợt, sản lượng đạt 29,2 tấn quả, cho thu nhập hơn 160 triệu đồng. Một số hộ chăm sóc đúng kỹ thuật đã có thu nhập rất cao. Trong khi đó, vụ thứ 2 đang có tín hiệu khả quan, dự kiến sản lượng tăng 3 lần so với vụ thứ nhất.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình, ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Sa Pa cho biết: Trước đây, người dân địa phương chưa có thói quen sản xuất tăng vụ nên sau khi gặt lúa mùa, đồng đất thường bị bỏ hoang, dẫn đến mặt ruộng khô, đất bạc màu, việc làm đất vụ mới rất tốn công sức. Được sự quan tâm và sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc mạnh mẽ của MTTQ và các đoàn thể xã, mô hình trồng dưa leo tăng vụ trên đất ruộng đã được triển khai tại xã Bản Hồ và đem lại kết quả tốt.
Tuy mới tiếp cận hình thức tăng vụ mới, nhiều hộ còn bỡ ngỡ nhưng mô hình đã góp phần tạo việc làm, tăng sinh kế cho nông dân lúc nông nhàn; khuyến khích nông dân dám nghĩ, dám làm và khắc phục khó khăn; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các hộ nông dân và hợp tác xã trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Việc thực hiện mô hình cũng bước đầu hình thành và duy trì hoạt động của tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng rau hàng hóa trên địa bàn các xã vùng thấp.