Công trình cấp nước sinh hoạt ở thôn Na Nối, xã Bản Xen, huyện Mường Khương, trước đây, được giao cho tổ quản lý cộng đồng quản lý. Nhưng sau thời gian ngắn vận hành, công trình đã xuống cấp, không phát huy hiệu quả sử dụng như thiết kế. Từ năm 2019, một số hạng mục của công trình được sửa chữa lại và giao cho doanh nghiệp quản lý. Trong 6 năm qua, với việc tổ chức vận hành, quản lý bài bản, thường xuyên được sửa chữa, bảo dưỡng, công trình đã phát huy được công năng sử dụng, đảm bảo cấp nước sạch thường xuyên cho người dân.
Ông Hoàng Mạnh Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ cấp nước Lào Cai cho biết: “Từ khi quản lý, vận hành, công ty đã có nhiều phương án vận hành tốt công trình theo đúng hiện trạng. Công ty cũng mở rộng tìm kiếm nguồn ở khu vực xung quanh để kết nối và bổ sung thêm nguồn nước”.
Bà Phạm Thị Hiền, thôn Na Nối, xã Bản Xen, huyện Mường Khương cũng cho biết: “Trước đây, không ai quản lý, người dân tự lấy nước về. Từ khi có nước sạch chúng tôi rất yên tâm, không phải lo lắng về vấn đề ô nhiễm; nguồn nước ổn định, nhân viên phục vụ tốt”.
Công trình cấp nước được vận hành bài bản đã phát huy công năng sử dụng, đảm bảo cấp nước sạch thường xuyên cho người dân.
Toàn tỉnh Lào Cai hiện có 825 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, đa số là công trình tự chảy và có quy mô nhỏ; trong đó, có 176 công trình không hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu do được đầu tư đã nhiều năm, không được thường xuyên duy tu, bảo dưỡng dẫn đến hư hỏng. Từ những bất cập trong hoạt động của các tổ quản lý cộng đồng, tỉnh đã thực hiện giao khoán 32 công trình cho 2 doanh nghiệp quản lý. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành nông nghiệp, để thu hút được các doanh nghiệp tham gia quản lý những công trình khác, cần phải có cơ chế chính sách trong kinh doanh giá nước.
Ông Nguyễn Quang Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết thêm: “Hiện tại, tỉnh Lào Cai có ban hành đơn giá nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn. Tuy nhiên, đơn giá này đang rẻ hơn rất nhiều so với giá thành sản xuất nước sạch phục vụ sinh hoạt. Để thu hút các doanh nghiệp tư nhân tham gia quản lý, khai thác công trình cấp nước thì phải có cơ chế cấp bù giá tiền nước để bù đắp chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp này”.
Việc giao khoán quản lý và vận hành công trình cấp nước sạch nông thôn cho doanh nghiệp giúp các công trình hoạt động hiệu quả hơn.
Ngày 08/3/2024, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 04 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các địa phương sẽ xem xét, đánh giá, lựa chọn phương án giao khoán cho doanh nghiệp, hợp tác xã, đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động của công trình, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đảm bảo đủ nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân các địa phương.
Thế Long – Thành Thuận