Mỗi người ở một địa phương, một công việc khác nhau nhưng điểm chung ở họ chính là sự nhiệt tình, trách nhiệm với thôn, bản; luôn đặt lợi ích của tập thể lên hàng đầu.
Đó là những chia sẻ của anh Hà Xuân Việt, sinh năm 1982, dân tộc Xá Phó, cư trú tại thôn 2 Nhai Thổ, xã Kim Sơn (Bảo Yên) khi kể về câu chuyện hiến đất làm đường trong năm vừa qua.
Gắn bó với thôn 2 Nhai Thổ từ khi sinh ra đến nay, anh Việt hiểu rất rõ những nhọc nhằn của bà con khi đi lại trên con đường rộng hơn 1 m, nhất là vào mùa mưa, đường lầy lội, trơn trượt càng khó khăn, vất vả hơn.
Giữa năm 2023, khi cán bộ xã đến nhà tuyên truyền, vận động hiến đất mở đường nội đồng và mở rộng đường trục thôn lên 6 m, anh Việt đồng ý ngay. Anh là một trong những hộ hiến nhiều đất nhất trong thôn, với hơn 3.000 m2. Nhắc đến việc hiến đất, anh Việt rất vui vẻ, bộc bạch: Đây là việc nên làm, nếu cần mở rộng đường hơn nữa, tôi sẵn sàng hiến thêm đất.
Không những gương mẫu, đi đầu, anh Việt còn tham gia vận động nhiều hộ trong thôn hiến đất làm đường. Trong suốt quá trình làm đường, anh tích cực đóng góp công sức, tạo mọi thuận lợi để thi công công trình. Nhờ vậy, tiến độ thi công được đẩy nhanh, 131 hộ người Xá Phó ở thôn 2 Nhai Thổ được đi lại trên tuyến đường đổ bê tông sạch đẹp, hân hoan đón tết Giáp Thìn.
Năm nay, anh Việt dự định vay vốn, đầu tư trồng rừng sản xuất và mở rộng chuồng chăn nuôi gia súc. Có đường mới, rộng thênh thang, xe ô tô vào đến tận nơi, anh tin rằng những dự định phát triển kinh tế của gia đình và người dân trong thôn sẽ trở thành hiện thực.
Năm nay đã 84 tuổi nhưng ông Đặng Nguyên Chìu, dân tộc Dao, ở thôn Ít Nộc, xã Làng Giàng (huyện Văn Bàn) vẫn đau đáu với việc truyền dạy chữ viết của dân tộc mình cho thế hệ trẻ.
Cách đây hơn 10 năm, nhận thấy nguy cơ mai một chữ viết của dân tộc mình, ông Chìu đã mở lớp dạy chữ viết Nôm Dao cho thế hệ trẻ trong thôn, ngoài xã. Ông tự mình ghép tấm gỗ mỏng thành bảng, quây chái nhà thành lớp học. Lớp học đơn sơ như vậy, ngày ngày vang tiếng “học sinh” đọc bài.
Ngày mới mở lớp học, chỉ có vài thanh niên trong thôn, rồi tiếng lành đồn xa, “học sinh” người Dao từ Sơn Thủy, Tân Thượng mang theo gạo đến xin “thầy” Chìu học chữ. Mỗi ngày qua đi, nhìn “học trò” đọc rõ hơn, viết đẹp hơn, “thầy” Chìu vô cùng hạnh phúc vì cũng có những người trẻ tâm huyết với cái chữ của dân tộc mình. Không chỉ dạy tại nhà, “thầy” Chìu còn xuống núi, mang theo tâm huyết và những cuốn sách cổ, đến tận xã Tân Thượng (Văn Bàn) dạy chữ cho những người có thừa quyết tâm nhưng thiếu điều kiện để xa nhà.
Hơn chục năm miệt mài, “thầy” Chìu đã tổ chức được 12 lớp học chữ viết Nôm Dao cho hơn 300 học viên trong thôn và các xã của huyện Văn Bàn. “Thầy” Chìu còn lưu giữ các bài dân ca, dân vũ của dân tộc Dao, viết thành hơn 20 đầu sách, được đóng dấu quản lý của Thư viện tỉnh Lào Cai.
Giờ đây, tuổi đã cao, sức khỏe không đảm bảo, “thầy” Chìu không còn đứng lớp, nhưng luôn sẵn sàng chỉ bảo, giảng giải cho những người đam mê chữ viết Nôm Dao.
“Nhìn thấy học trò trưởng thành, đọc thông, viết thạo chữ Nôm Dao, tôi mừng lắm, bởi đã có thêm thế hệ kế cận truyền dạy chữ viết của dân tộc mình sau này”, ông Đặng Nguyên Chìu tâm sự.