Sáng 3/4, tại trụ sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dưới sự chủ trì của đồng chí Lý Bình Minh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, HĐND tỉnh đã có phiên giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Nghị quyết số 10).
Tại phiên giám sát, hàng loạt kiến nghị về giải quyết những tồn tại, khó khăn, bất cập trong sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất hàng hóa nói riêng đã được đề cập.
Quang cảnh chương trình làm việc.
Dự hội nghị có lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cơ quan chủ trì thực hiện Nghị quyết số 10, trong năm 2023, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh đạt 9.098 tỷ đồng; giá trị thu nhập/ha đất canh tác đạt 95 triệu đồng. Trong đó giá trị sản xuất các ngành hàng chủ lực đạt hơn 4.560 tỷ đồng, tăng 360 tỷ đồng, bằng 91% mục tiêu đến 2025; ngành hàng chủ lực gồm cây chè, dược liệu, chuối, dứa, quế, nguyên liệu gỗ và lợn thương phẩm.
Một số giải pháp cụ thể trong thực hiện Nghị quyết số 10 đã và đang được ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và các ngành chủ động triển khai. Đó là công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; phát triển công nghiệp chế biến và dịch vụ hỗ trợ tiêu thụ; xây dựng thương hiệu, mã vùng, các tiêu chuẩn chất lượng; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư kết cấu hạ tầng; ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất…
Cũng theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số khó khăn thời gian qua là tình hình thiên tai; vùng sản xuất hàng hóa của tỉnh có quy mô còn nhỏ lẻ; chuyển đổi giống cây trồng, áp dụng khoa học tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp chậm; thị trường tiêu thụ hàng hóa chưa ổn định, một số sản phẩm phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc (chuối, tinh dầu quế, chế biến lâm sản).
Đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là tỉnh có kiến nghị với Chính phủ sớm ban hành nghị định thay thế sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, trong đó có quy định chi tiết về việc chi trả dịch vụ về hấp thụ và lưu trữ các-bon rừng, mua bán tín chỉ các-bon; Chính phủ sớm có Nghị định thư về kiểm dịch đối với các loại nông sản, trái cây của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc để giảm thời gian, chi phí khi thông quan. Tỉnh đề nghị Bộ Công Thương tăng cường dự báo về thị trường, tổ chức hướng dẫn các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng đối với một số ngành hàng, mặt hàng xuất, nhập khẩu và các vấn đề liên quan đến các Hiệp định thương mại tự do FTA mà Việt Nam tham gia.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng tỉnh cần có cơ chế đặc thù cho huyện nghèo, các xã vùng cao có nguy cơ sa mạc hóa, cụ thể là xem xét nâng mức hỗ trợ trồng rừng từ 10 triệu đồng lên 30 triệu đồng/ha. Hỗ trợ các địa phương nhiều hơn trong việc xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm chủ lực, tiềm năng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn về đất đai, giải phóng mặt bằng… thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản.
Tham gia vào kết quả triển khai Nghị quyết số 10, lãnh đạo các ngành chức năng, các ban thuộc HĐND tỉnh nêu rõ một số hạn chế, tồn tại, đề nghị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các ngành liên quan, các địa phương cần tập trung làm rõ và có giải pháp khắc phục.
Cụ thể như những vướng mắc về giải thể các hợp tác xã, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; việc thu hồi các dự án kém hiệu quả, không thực hiện đúng cam kết, gây lãng phí nguồn lực đất đai; việc cạnh tranh thiếu lành mạnh, minh bạch vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa; vấn đề tháo gỡ khó khăn trong sử dụng phương tiện vận chuyển nông – lâm sản; giải quyết tồn tại đối với dự án trồng cây cao su…
Tất cả những vấn đề nêu trên đã được các đại biểu tham dự thảo luận nghiêm túc, được cơ quan HĐND tỉnh tổng hợp, làm căn cứ để có những kiến nghị giải quyết, thực hiện trong thời gian tới.