Tổng cục Thuế cho biết, trong lĩnh vực thương mại điện tử, hiện nay có 84 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký và được cấp mã số thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, trong đó có 67 nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật. Luỹ kế 2 tháng đầu năm, các đơn vị này đã nộp 2.030 tỷ đồng tiền thuế.
So với cuối năm 2023, số lượng nhà cung cấp nước ngoài đăng ký và được cấp mã số thuế đã tăng thêm 10 đơn vị. Năm 2023, nhà cung cấp nước ngoài đã nộp 8.096 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó, có 6.896 tỷ đồng khai, nộp trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử và 1.200 tỷ đồng do các bên Việt Nam nộp thay.
Năm nay, Tổng cục Thuế triển khai nhiều giải pháp ngăn tình trạng thất thu thuế thương mại điện tử. Tổng cục Thuế chủ động phối hợp với các bộ, ngành ký kết thỏa thuận, chương trình phối hợp.
Tổng cục Thuế đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin giao dịch thanh toán của nhà cung cấp nước ngoài; đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ dữ liệu nhà cung cấp nước ngoài phát sinh thu nhập tại Việt Nam, cá nhân có doanh thu phát sinh từ quảng cáo.
“Thời gian tới, để tăng cường việc thu thuế thương mại điện tử, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục rà soát, phối hợp với bộ, ngành để quản lý đầy đủ nhà cung cấp nước ngoài, doanh nghiệp sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử. Ngành Thuế cũng xây dựng công cụ thu thập dữ liệu tự động đối tượng kinh doanh theo hình thức kinh doanh trực tuyến”, đại diện Tổng cục Thuế cho biết.
Tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế 2 tháng đầu năm ước đạt 361.672 tỷ đồng, bằng 112,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 9.740 tỷ đồng, bằng 21,2% so với dự toán. Thu nội địa ước đạt 351.933 tỷ đồng, bằng 24,4% so với dự toán pháp lệnh.
Cả nước có 53/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ năm 2023 và chỉ có 37/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt trên 20%.