Sản phẩm chè của hợp tác xã sản xuất chế biến chè Phìn Hồ (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang).
Tạo sinh kế cho người dân
Đánh giá vai trò của HTX, ông Hoàng Xuân Lương – nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, cả nước hiện nay có khoảng trên 29.000 HTX, trên 223.000 tổ hợp tác, riêng vùng đồng bào DTTS có khoảng 5.000 HTX và hơn 10 nghìn tổ hợp tác. Tuy nhiên, ở vùng đồng bào DTTS hiện nay, các khu công nghiệp lớn chưa phát triển, các nhà máy chế biến chưa được đầu tư nhiều, do đó vai trò của HTX, tổ hợp tác rất quan trọng. Sự xuất hiện của HTX và tổ hợp tác ở vùng DTTS và miền núi đã giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân.
Hơn nữa, HTX, tổ hợp tác hình thành các dịch vụ liên kết như: Hỗ trợ vay vốn, tiêu thụ sản phẩm…, từng hộ gia đình liên kết trong thôn bản, dòng họ với nhau tạo ra mối liên kết kinh doanh sản xuất, từ đó nâng cao đời sống người dân… Đặc biệt, thời gian gần đây, khi công nghệ thông tin phát triển, tổ hợp tác đã biết dùng điện thoại thông minh của cá nhân để kết nối thông tin, liên kết, giao lưu với nhau qua mạng, từ đó để hỗ trợ, hướng dẫn nhau. Đây là vai trò rất quan trọng của HTX và tổ hợp tác.
Thực tế, tại nhiều địa phương đã hình thành mô hình kinh tế HTX, tổ hợp tác dù với quy mô nhỏ nhưng bước đầu HTX đã góp phần tạo sự liên kết trong sản xuất từ đó tạo việc làm cũng như thu nhập ổn định cho người dân. Đơn cử, tại huyện Mường Tè (Lai Châu), có trên 30 HTX đang hoạt động tại 6 xã, thị trấn, trên các lĩnh vực xây dựng, nông – lâm – ngư – nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ… Với tổng doanh thu các HTX trên địa bàn huyện đạt 908 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 52,75 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân thành viên HTX đạt 45 triệu đồng/năm. Thông qua phát triển HTX đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm người dân trên chính mảnh đất quê hương của mình.
Có chính sách hỗ trợ mô hình hợp tác xã
Theo bà Chu Thị Vinh – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khu vực KTTT, HTX đóng vai trò rất quan trọng trong công tác giảm nghèo đa chiều. Đến thời điểm này, khi nhắc đến mô hình HTX, đều có thể định danh ngay được một số sản phẩm tiêu biểu của vùng miền. Ví dụ, khi nói đến các sản phẩm quế, hồi, mọi người sẽ nghĩ ngay đến các HTX ở khu vực Yên Bái, Lào Cai; hay khi nhắc đến sản phẩm bưởi da xanh, có thể nghĩ đến các HTX ở Bến Tre, Sóc Trăng… Như vậy, nhờ có các HTX mà các sản phẩm vùng, miền địa phương có thương hiệu, được người dân trong cả nước biết đến.
Rõ ràng hiệu quả từ mô hình HTX đem lại rất lớn song thực tế vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện có số lượng HTX không nhiều, quy mô nhỏ. Theo bà Vinh nguyên nhân có nhiều song tựu chung do tính đặc thù của đồng bào DTTS ở vùng cao, địa bàn khó khăn, đất đai manh mún, sản phẩm hàng hóa ít, chủ yếu tự cung, tự cấp, dân cư thưa thớt nên khi sản xuất mới chỉ đủ đáp ứng sinh hoạt, người dân chưa thể nghĩ đến sản phẩm dịch vụ, chưa nghĩ đến việc làm kinh tế. Do vậy, người dân nơi đây cũng chưa thể xây dựng, phát triển lên HTX và tổ hợp tác.
Đồng thời, sự liên kết và hợp tác của đồng bào chưa cao, vì kinh tế chưa đảm bảo ổn định, chưa có hướng phát triển dịch vụ nên chưa nghĩ đến tính hợp tác. Họ mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ nhau trong thôn, bản về đổi công, đồng áng, trồng trọt truyền thống… Công tác tuyên truyền về KTTT tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn hạn chế, chưa triển khai và phát huy được nội dung này.
Từ thực tế trên, theo các chuyên gia và địa phương, Nhà nước cần sớm có giải pháp hỗ trợ đặc biệt hỗ trợ về vốn, đất đai cũng như tiêu thụ sản phẩm để các HTX phát triển bền vững cũng như mở rộng về quy mô, để từ đó tạo sinh kế bền vững hơn cho người dân ngay chính tại quê hương mình.