Chính quyền quân sự Myanmar đang chật vật đối phó đợt nổi dậy của các nhóm vũ trang trên nhiều mặt trận, hứng hàng loạt thất bại ở những vùng biên giới.
Kênh Al Jazeera đưa tin, hôm nay (11/4), khoảng 200 binh lính rút về cây cầu nối thị trấn biên giới Myawaddy với Thái Lan, sau đợt tấn công kéo dài nhiều ngày của lực lượng nổi dậy.
Việc rút lui là một dấu hiệu cho thấy áp lực ngày càng tăng đối với các tướng lĩnh nắm quyền từ cuộc đảo chính vào tháng 2/2021, dẫn đến một cuộc nổi dậy chống lại sự cầm quyền của họ.
Trong một tuyên bố trên Facebook, Liên minh Quốc gia Karen (KNU), nhóm vũ trang dân tộc dẫn đầu cuộc tấn công vào Myawaddy (thị trấn ven biên giới Thái Lan được kết nối với phần còn lại Myanmar), cho biết lực lượng của họ đã đánh bại tiểu đoàn 275, lực lượng quân sự lớn còn lại trong thị trấn, vào đầu giờ sáng nay.
Saw Taw Nee, người phát ngôn của KNU, nói với hãng tin Reuters rằng khoảng 200 binh sĩ đã tập trung tại cây cầu, trong khi hãng tin Khit Thi của Myanmar đưa tin rằng chính quyền Thái Lan đang đàm phán với các binh sĩ để quyết định xem có cho phép họ tị nạn hay không.
Đoạn phim truyền hình từ phía biên giới Thái Lan cho thấy những đám khói đen dày đặc bốc lên không trung.
Các tướng lĩnh Myanmar phải chịu áp lực ngày càng tăng kể từ cuộc tấn công vào tháng 10/2023 của một liên minh hùng mạnh gồm các nhóm vũ trang sắc tộc đã tiếp thêm sinh lực cho phe đối lập và dẫn đến các cuộc đụng độ lớn trên khắp đất nước này.
Quân đội Myanmar đã mất quyền kiểm soát hàng trăm đồn quân sự và một số thị trấn ở khu vực biên giới.
Cuối tuần qua, khoảng 600 binh sĩ Myanmar và gia đình họ đã chạy trốn khỏi Myawaddy trong bối cảnh có tin quân đội đã yêu cầu Thái Lan cho phép họ tị nạn tại nước này để đảm bảo an toàn.
Theo nhóm xã hội dân sự Mạng lưới Hỗ trợ Hòa bình Karen, ít nhất 2.000 người đã phải di dời ở Myanmar do xung đột gia tăng mới nhất.
Từ khi lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2021, quân đội Myanmar vấp phải hàng loạt thất bại trước liên minh nổi dậy và phong trào dân quân.