Giai đoạn này học sinh lớp 12 đang tăng cường ôn tập, mục tiêu không chỉ hoàn thành tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, mà còn là kỳ thi riêng, thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… để xét tuyển đại học.
Vững kiến thức cơ bản
Trước lo lắng các kỳ thi riêng, thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy khác biệt với Kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô Hà Phương Thảo – Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Thể dục, Trường THPT Công Nghiệp (TP Hòa Bình, Hòa Bình) cho rằng: Dù kỳ thi nào thì kiến thức trọng tâm vẫn nằm trong chương trình giáo dục THPT.
Do đó, học sinh cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, luyện tập nhiều dạng bài với cùng một đơn vị kiến thức, bài học. Ngoài ra, học trò phải hiểu rõ cấu trúc đề thi; làm bài tập, bài kiểm tra theo các đề minh họa và thực hành làm bài thi dưới áp lực thời gian theo quy định.
“Trong giai đoạn ôn tập, hệ thống hóa kiến thức rất quan trọng. Học sinh nên sắp xếp kiến thức thành các chủ đề, đồng thời tạo ra lịch trình ôn tập hợp lý. Các em có thể chia môn học thành chủ đề nhỏ và tập trung ôn tập từng phần. Sử dụng sơ đồ, bảng tóm tắt và ghi chú là phương tiện hiệu quả để hệ thống kiến thức. Các em cũng nên làm bài tập mẫu, bài thi thử để quen với cấu trúc, loại câu hỏi thường gặp trong đề thi”, cô Hà Phương Thảo lưu ý thêm.
Tương tự, theo thầy Nguyễn Bá Khương – Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Long (Bắc Ninh), về cơ bản, nhà trường phải tổ chức dạy học các môn, dù là thi tốt nghiệp THPT hay kỳ thi riêng thì chủ yếu kiến thức THPT. Học sinh cần học hiểu, đều, không học vẹt, không học tủ để thi được các môn. Đề thi chủ yếu theo hình thức trắc nghiệm nên thầy cô có thể ôn tập nghiêng về hình thức này, tuy nhiên phải dạy bản chất kiến thức thì học sinh mới làm tốt bài thi.
Thầy Phan Trọng Hải – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Bến Tre) lưu ý học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa; vì Kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi riêng phục vụ tuyển sinh đại học đều sử dụng kiến thức, bài tập theo mức độ khác nhau trong chương trình, sách giáo khoa để đánh giá học sinh. Nếu tham gia nhiều kỳ thi, các em không được học quá lệch, mà cần có kế hoạch ôn tập rõ ràng theo hướng dẫn của thầy cô từng giai đoạn.
Về việc này, cô Nguyễn Thị Hồng Thúy – Tổ trưởng bộ môn Tiếng Anh, Trường THPT Đặng Trần Côn (Thừa Thiên Huế) lưu ý, trước hết học sinh cần nắm vững yêu cầu, đặc điểm của Kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi riêng, thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Nhìn chung, đề thi tốt nghiệp THPT thường tập trung kiểm tra kiến thức, kỹ năng học thuật trong các môn học.
Trong khi đó, đề thi đánh giá năng lực, tư duy thường hướng tới đánh giá các năng lực như giải quyết vấn đề và sáng tạo, ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh), lập luận, tư duy logic, tính toán, xử lý dữ liệu, tìm hiểu, khám phá và ứng dụng khoa học…
Vì vậy, để có thể đáp ứng Kỳ thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi khác, học sinh cần lập kế hoạch ôn tập linh hoạt. Phân bổ thời gian hợp lý để ôn tập kiến thức cơ bản cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và thực hành các kỹ năng tư duy, giải quyết vấn đề cho kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy.
Sĩ tử nên thực hành thường xuyên để làm quen với các loại câu hỏi, dạng bài (giải đề thi mẫu và tham gia các buổi ôn tập, luyện đề để nâng cao khả năng làm bài). Tự đánh giá thường xuyên để nhận biết điểm mạnh, yếu. Dựa trên đánh giá đó, học sinh có thể điều chỉnh kế hoạch ôn tập để tập trung vào các phần cần cải thiện.
Ảnh minh họa.
Lưu ý tài liệu ôn tập
Ngoài sách giáo khoa, học sinh cần tham khảo những tài liệu nào cho việc ôn tập cũng là băn khoăn của hầu hết học sinh lớp 12 hiện nay. Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành khẳng định, tài liệu chính để học sinh ôn tập vẫn là sách giáo khoa; cùng đó là vở ghi các bài đã học, dạng câu hỏi, bài tập, bài thực hành… đã làm trong quá trình học tập. Học sinh cần dựa vào đó để ôn tập thật chắc từng đơn vị kiến thức cơ bản.
Đề thi có câu hỏi mở liên hệ với thực tiễn cuộc sống, yêu cầu vận dụng kiến thức để giải quyết một vấn đề nào đó. Những tình huống này có thể không có trong sách giáo khoa và nội dung bài giảng, nhưng học sinh có thể đáp ứng được yêu cầu khi nắm vững kiến thức cơ bản. Ngoài ra, thí sinh có thể tham khảo đề minh họa do Bộ GD&ĐT công bố để biết cấu trúc, cách hỏi trong đề thi.
“Bộ GD&ĐT đã lưu ý các trường tổ chức phân loại trình độ học sinh để có kế hoạch ôn tập phù hợp. Tùy theo từng nhóm, giáo viên có thể cung cấp thêm cho học sinh tài liệu tham khảo để luyện tập, nhưng không nên quá nhiều gây quá tải không cần thiết”, ông Nguyễn Xuân Thành lưu ý.
Theo thầy Đỗ Cao Long – Tổ trưởng bộ môn Toán, Trường THPT Đặng Trần Côn (Thừa Thiên Huế), sách giáo khoa là tài liệu giúp học sinh nắm kiến thức căn bản, trọng tâm của chương trình phổ thông. Tuy nhiên, hệ thống câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong sách giáo khoa không nhiều.
Do vậy, các em có thể tham khảo thêm tài liệu khác (sách tham khảo, sách điện tử, file tài liệu tin cậy chia sẻ trên Internet) có hệ thống kiến thức, câu hỏi trắc nghiệm khách quan, đề tham khảo để rèn luyện thêm. Giáo viên bộ môn cần giới thiệu cho các em tài liệu phù hợp để ôn tập. Ngoài ra, khuyến khích học sinh dành thời gian mỗi tuần để tự kiểm tra lại kết quả ôn tập thông qua làm các bài thi trực tuyến.
Từ kinh nghiệm cá nhân, cô Hà Phương Thảo cho biết, ngoài sách giáo khoa, học sinh có thể tham khảo các nền tảng trực tuyến, nguồn học liệu theo gợi ý ở bìa sách giáo khoa. Ngoài đề minh họa của Bộ GD&ĐT, đề minh họa của các sở GD&ĐT, trường có uy tín, giáo viên cốt cán… cũng là nguồn tham khảo để thầy trò ôn tập; giúp học sinh làm quen với định dạng đề thi, cũng như cung cấp thêm bài tập để rèn luyện kỹ năng.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực đều bám sát nội dung chương trình phổ thông. Do đó, các em phải nắm chắc kiến thức cơ bản các môn học ở bậc phổ thông và đảm bảo không học lệch, dành thời gian đều cho việc học và ôn tập các môn học. Học sinh nên nắm chắc kiến thức cơ bản ngay trong quá trình học để không quá tải trước kỳ thi. – Ông Nguyễn Xuân Thành (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học – Bộ GD&ĐT)