Khi kinh tế chuyển đổi số, lao động nữ làm việc trong ngành công nghiệp sản xuất sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm do áp dụng tự động hóa và robot hóa ở nhiều phần việc. Ảnh minh hoạ
Trình bày tham luận tại Hội thảo quốc gia “Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội LHPN Việt Nam”, bà Vũ Thu Hồng – Cán bộ Chương trình Phụ nữ, Hoà Bình và An ninh, Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam – đã nêu ra thực trạng trình độ lao động và thách thức về an ninh việc làm đối với phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số, từ đó có những giải pháp khuyến nghị để Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ hội viên, phụ nữ.
Thực trạng trình độ và thách thức đối với lao động nữ tại Việt Nam
Theo bà Vũ Thu Hồng, lực lượng lao động nữ tại Việt Nam hiện nay tuy đông về số lượng nhưng tỷ lệ qua đào tạo thấp nên chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng và đặc biệt là trong nền kinh tế số đang ra tăng như hiện nay. “Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2020” của Tổng cục Thống kê đã chỉ ra rằng số lao động nữ không có trình độ chuyên môn chiếm tới 49,4%, tập trung vào lao động nữ ở nông thôn, trong độ tuổi trung niên, phụ nữ dân tộc thiểu số; tỷ lệ lao động nữ làm thuê các công việc trong hộ gia đình chiếm đến 94,7% tổng lao động làm thuê.
Phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ, đối mặt với khó khăn trong việc ra nhập lực lượng lao động chất lượng cao hoặc trong các ngành nghề có nhiều cơ hội bổ nhiệm làm quản lý và lãnh đạo do bị phân biệt đối xử và định kiến giới. Ngoài ra tồn tại phân biệt nghề nghiệp và hạn chế sự tiến bộ cũng như khoảng cách giới dai dẳng trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) bậc giáo dục trung học và đại học.
Một nghiên cứu gần đây về giới và kết quả học tập ở Việt Nam chỉ ra rằng mặc dù trung bình các em gái học môn toán tốt hơn nhưng các em gái lại tin rằng mình kém hơn các em nam. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy bản thân trẻ em tin rằng (môn) nghệ thuật và ngôn ngữ hình thành các hoạt động “nữ tính” và các môn học khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) là “nam tính”. Do không có dữ liệu thống kê về kết quả học tập STEM ở Việt Nam nên chúng ta không thể có thông tín chính xác về việc học sinh nam hay nữ sẽ học các môn STEAM tốt hơn. Nhưng với những định kiến đó, hiện nay không nhiều trẻ em gái được khuyến khích phát triển trong lĩnh vực này.
Bà Vũ Thu Hồng – Cán bộ Chương trình Phụ nữ, Hoà Bình và An ninh, Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam – trình bày tham luận tại Hội thảo.
Điều này được chứng minh rõ hơn khi các số liệu tại báo cáo của ILO (ASEAN trong quá trình chuyển đổi) cho thấy nam giới Việt Nam thường chọn ngành kỹ sư (20,8%), thông tin, truyền thông và công nghệ (18,6%). Tuy nhiên, chưa đến 10% đối tượng nữ giới Việt Nam được khảo sát theo đuổi 2 ngành học này.
Song song với thực trạng đó, lao động nữ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi nền kinh tế số hoàn toàn trở thành nền kinh tế chính của một xã hội hiện đại. Ngành công nghiệp sản xuất như: may mặc, điện tử, và lắp ráp thường có tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động cao. Khi áp dụng tự động hóa và robot hóa, sự suy giảm nhu cầu về lao động trực tiếp sẽ khiến hàng loạt phụ nữ có nguy cơ mất việc. Hay như ngành bán lẻ và dịch vụ khách hàng có thể thay thế các công việc như thu ngân, tư vấn bán hàng,… bằng các giải pháp tự động hoặc trực tuyến, làm ảnh hưởng đến việc duy trì công việc của phụ nữ làm việc trong những ngành này, đôi khi loại trừ luôn lao động nữ phổ thông, chỉ duy trì cán bộ quản lý.
Với các ngành nghề như công nghệ thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục, công việc hành chính và quản trị, công nghệ số có thể tạo ra nhiều cơ hội mới nhưng cũng có thể yêu cầu các kỹ năng và kỹ thuật cao. Phụ nữ có thể đối mặt với việc mất việc hoặc không xin được việc làm nếu khi không có đủ trình độ kỹ thuật. Khả năng khó tham gia vào các vị trí cao hơn trong các ngành nghề này cũng là thách thức buộc phụ nữ nỗ lực hơn rất nhiều để không bị bị tụt hậu và bị loại bỏ, hoặc bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc.
Một số khuyến nghị đối với Hội LHPN Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số – chủ trì Phiên họp lần thứ 8 của Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số ngày 24/4/2024 đã yêu cầu các Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, tập trung chỉ đạo quyết liệt trong triển khai chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số; với tinh thần “5 đẩy mạnh”. Ngày 11/3/2024, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã nhấn mạnh tại phiên họp thứ 68 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ (CSW68-2024) thuộc Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp quốc (ECOSOC) tại New York, Mỹ, về việc tăng cường trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học, công nghệ và chuyển đổi kỹ thuật số.
Với tất cả những tiềm năng, lợi thế của đất nước cùng sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Hội LHPN Việt Nam có thể cân nhắc thực hiện một số hoạt động nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái vào quá trình chuyển đổi số và nền kinh tế số, cụ thể là:
Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (giữa) trao đổi với các thí sinh tham gia cuộc thi “Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt Hội”
– Hội LHPN Việt Nam thực hiện tuyên truyền vận động xoá bỏ hoàn toàn sự phân biệt đối xử với trẻ em gái trong môi trường giáo dục, với phụ nữ trong lao động và việc làm, cũng như xoá bỏ bạo lực giới trên không gian mạng. Song song với đó là thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến về lựa chọn ngành học và định hướng nghề nghiệp của trẻ em gái và nữ thanh niên, đảm bảo “quyền số” của phụ nữ và trẻ em; đồng thời nâng cao hiểu biết của gia đình và nhà trường về các nghề nghiệp trong tương lai so với nghề truyền thống có nhiều đặc thù về giới hoặc củng cố phân biệt dựa trên cơ sở giới.
– Thông qua tổ chức Hội, các nhà trường có thể kết hợp tổ chức các buổi nói chuyện, tư vấn nghề nghiệp trong lĩnh vực STEM, vi mạch, bán dẫn, AI… cho nữ học sinh và sinh viên nhằm mở rộng nhu cầu học nghề và định hướng nghề nghiệp cho học sinh nữ ở các cấp học.
– Hội LHPN các cấp cũng có thể phối hợp với các cơ quan liên quan để tư vấn nghề nghiệp, cung cấp thông tin việc làm cho phụ nữ và nữ sinh viên qua mô hình một cửa, tổ chức hội chợ việc làm để kết nối người chủ lao động và lao động nữ…
– Thực hiện nghiên cứu và thu thập dữ liệu về sự tham gia của phụ nữ và thanh niên trong nền kinh tế số là việc làm quan trọng để xác định các thuận lợi, nguy cơ, thách thức, rủi ro và cơ hội. Từ đó, Hội có thể xây dựng các hoạt động cụ thể, cũng như kiến nghị các đề án chính sách để có biện pháp can thiệp kịp thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ.
– Hội LHPN các cấp cần tiếp tục thực hiện vận động chính sách cũng như tham gia lồng ghép giới và tăng cường tính hiệu quả của Luật Bình đẳng giới, Luật Việc làm, Luật Lao động… để thúc đẩy bình đẳng giới cũng như đa dạng hoá lực lượng lao động. Trong “cơn khát” nhân lực hiện nay, giải pháp này cũng là cơ sở để Chính phủ tận dụng mọi nguồn nhân lực cho quá trình chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, đặc biệt là nguồn nhân lực có sự đa dạng về giới tính, thu nhập, tuổi tác, chủng tộc, dân tộc, bản dạng giới và khuynh hướng tình dục.
– Hội cần tiếp tục có những chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp Công nghệ do phụ nữ làm chủ và tăng cường hợp tác trong nước, hợp tác công tư, hợp tác với các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, tổ chức nghề nghiệp, các hiệp hội cũng như hợp tác quốc tế để xây dựng hoặc hỗ trợ những chương trình đào tạo nghề về kỹ thuật, khoa học công nghệ, kỹ thuật số cho các phụ nữ làm chủ nói riêng và đội ngũ lao động nữ nói chung để nâng cao chất lượng lao động và đảm bảo việc làm ổn định cho họ.
– Đúc kết và tôn vinh những lãnh đạo nữ trong nền kinh tế số, những mô hình doanh nghiệp thành công trong sử dụng các công cụ số để phát triển kinh doanh, tiếp thị, thương mại điện tử và quản lý tài chính cũng là một hình thức lan toả để động viên và khích lệ chị em, phụ nữ trên hành trình tham gia chuyển đổi số.
Thông qua những hoạt động này, Hội LHPN Việt Nam có thể tích cực hỗ trợ thu hẹp khoảng cách giới trong nền kinh tế số và tăng cường trao quyền cho phụ nữ và sinh viên nữ, hỗ trợ khai thác nguồn tài nguyên con người của Việt Nam tối đa để đảm bảo phát triển kinh tế và xã hội bền vững.