Sáng 1/3, vàng 9999 (vàng nhẫn) và vàng miếng SJC cùng tăng khoảng 100.000 đồng/lượng. Riêng vàng nhẫn, ngay trong buổi chiều đã được điều chỉnh cao gấp ba lần so với giá mở cửa.
Vốn bị chi phối bởi giá vàng thế giới nên khi chỉ số giá cá nhân của Mỹ được công bố, giá vàng nhẫn bật tăng.
Đến lượt vàng nhẫn xô đổ kỷ lục của chính nó
Lý giải về điều này, ông Huỳnh Trung Khánh, ngành vàng, cho rằng: “Nếu tình trạng khan hiếm nguồn cung vàng nguyên liệu vẫn tiếp tục kéo dài thì độ vênh giữa giá vàng nhẫn và giá vàng thế giới sẽ còn nới rộng hơn”.
Khi nền toàn cầu đang phải trải qua nhiều biến động và bất ổn, sức hấp dẫn của vàng dường như tỏa sáng hơn bao giờ hết.
Ông Joe Cavatoni, chuyên gia cấp cao tại Hội đồng Vàng thế giới, nhấn mạnh: Việc Trung Quốc và các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới gia tăng dự trữ vàng là một trong những động lực chính để hỗ trợ giá vàng.
Không chỉ vàng miếng SJC độc quyền mà ngay cả giá vàng nhẫn cũng đã bỏ xa so với giá vàng thế giới.
Hết tháng 12/2023, dự trữ vàng của Trung Quốc đã tăng tháng thứ 14 liên tiếp. Tương tự, các ngân hàng trung ương, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi đã tăng đáng kể lượng vàng dự trữ trong hơn một thập niên trở lại đây. Trong nửa đầu năm 2023, Trung Quốc và Nga là hai nước dẫn đầu về số lượng vàng mua vào ở mức cao kỷ lục, tăng 800 tấn (tương ứng tỉ lệ tăng 14%) so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, chuyên gia vàng Trần Duy Phương đưa ra dự báo giá vàng thế giới năm 2024 chắc chắn sẽ tăng tối thiểu lên mức 2.200 – 2.250 USD/ounce.
Lý do là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất, kéo theo các ngân hàng trung ương khác sẽ giảm lãi suất theo. Khi đó, nguồn tiền sẽ chuyển qua kênh vàng hoặc chứng khoán.
Giá vàng nhẫn tiếp tục bỏ xa giá vàng thế giới.
Thị trường trong nước bất thường
Lâu nay, việc vàng miếng SJC cao hơn vàng thế giới gần 20 triệu đồng/lượng là điều không quá lạ. Song hiện nay, giá vàng nhẫn cũng ngày càng bị đẩy cao hơn giá vàng thế giới. Liệu đây có phải là những dấu hiệu bất thường của thị trường vàng trong nước?
Đến nay, vàng nhẫn trơn đang đắt hơn vàng 4 – 5,5 triệu đồng/lượng tùy doanh nghiệp. Trước đây, khoảng cách này chỉ 2 – 3 triệu đồng/lượng, thậm chí đầu năm 2023 giá vàng nhẫn gần ngang bằng hoặc thấp so với vàng ngoại.
Chị Phương Anh (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ: “Tháng 3, nhà có đám cưới cháu gái nên vợ chồng tôi muốn mua vàng làm quà cưới. Vợ chồng tôi có ý định mua vàng từ năm ngoái nhưng nghĩ kiểu gì vàng cũng giảm nên cứ nghe ngóng. Nhưng càng chờ càng thấy tăng, đến khi quyết định mua thì vàng nhẫn đã lên 63,5 triệu đồng/lượng.
Vừa mua được ít ngày, nay lại thấy giá lên 64,5 triệu đồng/lượng, có nơi còn bán trên 66,5 triệu đồng/lượng. Nếu quyết định mua từ bảy tháng trước thì giờ tôi đã lời được gần 8 triệu đồng với món quà cưới này rồi”.
Trong khi đó, chị Hạnh (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: “Chiều mùng 9 Tết, tôi ghé cửa hàng Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận trên đường Âu Cơ để mua vàng nhẫn nhưng không có hàng. Sang cửa hàng trang sức khác của doanh nghiệp này trên đường Hoàng Văn Thụ nhưng cũng được thông báo đã hết vàng nhẫn. Nhân viên còn không biết khi nào mới có hàng lại”.
Lý giải về việc giá vàng nhẫn cũng theo vàng SJC ngày càng trở nên đắt đỏ hơn so với vàng thế giới, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, cho biết: “Nguyên nhân chính vẫn là do nguồn cung vàng nguyên liệu khan hiếm.
Đã hơn 10 năm, Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng SJC, các doanh nghiệp cũng không được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức. Nguồn cung chủ yếu từ mua đi bán lại vàng trong người dân. Khi người dân giảm bán vàng ra, lập tức nguồn cung cạn kiệt”.
Chủ một tiệm vàng ở quận 1, TP.HCM chia sẻ: “Giá vàng nhẫn tăng nên tôi theo dõi thấy từ giá đô la chợ đen tăng đều 24.570 – 24.700 VND/USD. Từ đầu tháng 2/2024, giá đô la liên tục “tăng nóng”, hiện đã 25.360 – 25.430 VND/USD”.
“Chỉ bốn tháng, tỉ giá USD/VND chợ đen đã tăng hơn 800 đồng/USD” – vị này nói thêm.
Hiện nay không chỉ có vàng miếng SJC độc quyền mới đắt hơn giá vàng thế giới tới gần 20 triệu đồng/lượng mà ngay cả giá vàng nhẫn 9999 cũng ngày càng bỏ xa so với giá vàng thế giới.
Sau cùng, người tiêu dùng chịu thiệt hại nhiều nhất. Trong khi đó, thực trạng buôn lậu vàng vẫn tồn tại. 1 kg vàng (giá khoảng 1,6 – 1,7 tỉ đồng) nhưng có kích thước chỉ bằng một chiếc iPhone, quá dễ dàng để che giấu.
Chỉ cần giá vàng trong nước và thế giới vênh 2 – 3 triệu đồng/lượng đã xuất hiện buôn lậu vàng nên khoảng cách 5 – 6 triệu đồng/lượng rất dễ kích thích lòng tham của những người buôn lậu.
Việc bắt và phạt tù giới buôn lậu vàng chỉ mang tính “bắt cóc bỏ đĩa”, giải pháp căn cơ để đưa thị trường vàng trong nước hoạt động theo quy luật thị trường là các chính sách tiền tệ.
Trong thời gian chờ đợi sửa đổi Nghị định 24, VTGA mong Ngân hàng Nhà nước có động thái chính sách liên quan đến việc tăng nguồn cung vàng nguyên liệu cho thị trường.
Bởi nếu Ngân hàng Nhà nước cứ “án binh bất động” trước những biến động khôn lường của giá vàng sẽ tạo thêm rủi ro cho nhà đầu tư, người kinh doanh và cả nền kinh tế khi tham gia thị trường này.
Ông HUỲNH TRUNG KHÁNH
Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam
Để giá vàng nhẫn về gần “mặt đất”
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, nếu cho phép nhập khẩu vàng thì Nhà nước vừa có thêm nguồn thu, đồng thời hạn chế tối đa tình trạng nhập lậu vàng và nhờ đó doanh nghiệp tránh được rủi ro từ mua vàng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, còn người tiêu dùng sẽ không phải mua vàng với giá “trên trời”.
Đại diện cho ý chí của các nhà kinh doanh vàng trong nước, ông Khánh thông tin cuối năm nhu cầu mua vàng của người dân luôn tăng nên từ tháng 8 và tháng 9/2023, VGTA đã gửi đơn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho ba doanh nghiệp gồm SJC, DOJI, PNJ được nhập khẩu 1 – 1,5 tấn vàng nguyên liệu.
“Chúng tôi gửi đơn kiến nghị với cam kết sử dụng 100% số vàng nhập để sản xuất vàng trang sức kèm theo phương án sử dụng chi tiết. Tất cả được thống kê và báo cáo lên cơ quan cùng các loại giấy tờ chứng minh để đảm bảo đầu vào – đầu ra khớp 100%. Nhưng sáu tháng qua, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có phản hồi” – ông Khánh nói.
Ông Khánh khẳng định: “Việc nhập khẩu vàng nguyên liệu đã được quy định rõ trong Nghị định 24/2012, Ngân hàng Nhà nước có toàn quyền phê duyệt đề nghị này mà không cần phải chờ Nghị định 24 (sửa đổi)”.
Đề cập nỗi lo về tỉ giá khi cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, ông Khánh giải thích: Số ngoại tệ dùng để nhập lượng vàng trên chỉ khoảng 65,2 – 100 triệu USD, rất nhỏ so với quy mô của thị trường kim loại quý này.
Hơn nữa, nếu đề xuất được thông qua thì 1 – 1,5 tấn vàng sẽ được nhập khẩu làm nhiều đợt chứ không nhập khẩu toàn bộ số vàng này cùng một lúc.
Đồng quan điểm, ông Dương Anh Vũ, chuyên gia ngành vàng, nêu quan điểm: “Các nước trong khu vực đều cho phép nhập khẩu vàng nhưng kiểm soát bằng chính sách thuế: Đánh thuế rất cao. Ở Ấn Độ, các loại thuế liên quan đến vàng lên tới 18% và hằng năm chính phủ thu 7 tỉ USD tiền thuế từ mặt hàng này”.