Theo mô hình dự báo giá xăng dầu của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), giá xăng bán lẻ trong kỳ điều hành ngày 20/6 cơ bản ổn định, tăng không đáng kể dưới 100 đồng/lít, đưa giá xăng E5 RON92 lên 21.313 đồng/lít và giá xăng RON 95 lên 22.298 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu bán lẻ cũng chung xu hướng tăng nhẹ, có thể lên mức 20.363 đồng/lít (dầu diesel), 20.253 đồng/lít (dầu hỏa) và 17.120 đồng/kg (dầu mazut).
Tại kỳ điều hành này, VPI dự báo Liên bộ Tài chính – Công Thương tiếp tục không trích lập hay chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Dự đoán giá xăng dầu hôm nay, bà Phùng Thị Hồng, Giám đốc doanh nghiệp phân phối xăng dầu phía Nam cũng cho rằng, nếu cơ quan điều hành không sử dụng quỹ bình ổn thì giá xăng trong nước có thể tăng 180 – 220 đồng/lít. Còn giá dầu có thể tăng 120 – 150 đồng/lít,kg tùy loại.
Trường hợp liên bộ Tài chính – Công Thương chi quỹ thì giá xăng có khả năng tăng ít hơn hoặc giữ nguyên.
Hiện giá xăng dầu bán lẻ trong nước đang được áp dụng theo sự điều chỉnh giá từ ngày 13/6. Cụ thể, giá xăng E5 RON92 tăng 169 đồng/lít, không cao hơn 21.310 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 258 đồng/lít, không cao hơn 22.235 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng 218 đồng/lít, không cao hơn 19.640 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng 302 đồng/lít, không cao hơn 19.859 đồng/lít. Riêng giá dầu mazut giảm 396 đồng/kg, không cao hơn 16.889 đồng/kg.
Tương tự kỳ điều hành trước, liên Bộ Công Thương – Tài chính tiếp tục không trích lập, không chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng.
Trên thị trường thế giới, lúc 6h ngày 20/6, giá dầu Brent giao dịch ở mức 85,27 USD/thùng, giảm 0,8 USD so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 81,47 USD/thùng, giảm 0,1 USD.
Giá dầu giảm nhẹ do lo ngại xung đột leo thang và tổn kho dầu của Mỹ bất ngờ tăng. Theo đó, xung đột ở Trung Đông, căng thẳng địa chính trị giữa Israel và Hezbollah đang leo thang. Điều này khiến nguồn cung dầu thô từ các nhà sản xuất chủ chốt có thể bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng quan tâm đến chính sách lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Bởi nếu cơ quan này cắt giảm lãi suất thì có thể làm giảm chi phí đi vay, từ đó thúc đẩy hoạt động kinh tế, nâng cao mức tiêu thụ dầu, khiến giá dầu đắt lên.
Tuy vậy, giá dầu vừa trải qua 1 tuần tăng mạnh sau 3 tuần giảm liên tiếp. Tính chung tuần, cả 2 loại dầu chuẩn là dầu Brent và dầu WTI đều tăng khoảng 4%. Đây là mức tăng hàng tuần cao nhất kể từ tháng 4.
Sang tuần này, giá dầu thế giới vẫn tiếp đà tăng cao trong những phiên đầu tuần và chỉ giảm nhẹ trong phiên hôm nay.