Trở thành tâm điểm của thị trường tài chính trong thời gian gần đây, giá vàng tiếp tục “nóng bỏng tay” khi giữ đỉnh cao của mọi thời đại.
Trong phiên ngày 7/3, giá vàng miếng đã đạt đỉnh cao nhất, ở mức 79,8 triệu đồng/lượng chiều mua và 81,8 triệu đồng/lượng chiều bán. Trong khi đó, vàng nhẫn khoảng 2 tuần nay gần như mỗi phiên lại tăng lên một mức kỷ lục mới và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Cập nhật lúc 15h ngày 8/3, vàng nhẫn đã đạt mức giá 68,03 triệu đồng mua vào và 69,23 triệu đồng/lượng bán ra. Tại Hà Nội, các cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng), Cầu Giấy, nhiều cửa hàng vàng tấp nập khách xếp hàng mua bán. Thậm chí có cửa hàng thông báo khách mua vàng nhẫn với số lượng trên 4 lượng, sau gần 1 tháng mới lấy được vàng.
Các chuyên gia nhận định dù không có con số thống kê cụ thể, song với sự chênh lệch giá như hiện nay, chắc chắn sẽ “tiếp tay” cho buôn lậu. Chuyên gia kinh doanh vàng Đinh Nho Bảng cho rằng, nếu cứ kéo dài tình trạng này, việc quản lý thị trường sẽ ngày càng phức tạp. “3 miếng vàng kích thước chỉ bằng 1 gói thuốc lá, chỉ cần buôn lậu trót lọt, lợi nhuận đã lên hàng trăm triệu đồng, là môi trường tốt để “kích thích” cho buôn lậu”, ông Bảng nói.
Cũng theo ông Bảng, ngành trang sức mỹ nghệ tại Việt Nam mỗi năm cần khoảng 20 tấn vàng nguyên liệu nhưng từ nhiều năm nay không được nhập khẩu, trong khi nhu cầu mua vàng trang sức ở Việt Nam ngày càng tăng, từ mua vàng để dành, tích trữ sang mua vàng để làm đẹp, các sản phẩm vàng phân khúc trung và cao cấp còn rất nhiều dư địa tăng trưởng điều này sẽ gây rủi ro rất lớn vì nguồn nguyên liệu không đến từ nhập khẩu chính thức. Nguyên do là hơn chục năm nay, từ khi có Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, chưa doanh nghiệp nào được cấp phép nhập vàng nguyên liệu.
“Do không được nhập khẩu vàng nguyên liệu nên doanh nghiệp phải mua vàng trôi nổi trên thị trường, thậm chí có tình trạng doanh nghiệp mua phải vàng buôn lậu. Các doanh nghiệp không thể xác định được vàng nguyên liệu đó từ nguồn nào, vì quy định chỉ cần có bảng kê theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và căn cứ của người bán. Doanh nghiệp vàng cũng không có chức năng đi thẩm định nguồn vàng đó, chỉ có bảng kê xác nhận. Đây là rủi ro pháp lý cho các doanh nghiệp khi mua vàng nguyên liệu trên thị trường”, ông Bảng cho biết.
Thực tế, dù biết mua vàng trôi nổi trên thị trường rủi ro rất lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải mua để duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh. Hiệp hội kinh doanh vàng (VGTA) đã phản ánh những khó khăn trên với NHNN, Bộ Công an để có giải pháp bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp. VGTA cũng đã kiến nghị cho các doanh nghiệp lớn nhập khẩu vàng nguyên liệu để phục vụ thị trường trong nước.
“Nếu Nhà nước cho nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất trang sức mỹ nghệ, sẽ đạt được 3 tiêu chí. Thứ nhất, đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước; thứ 2, vàng trang sức có thể xuất khẩu. Thực tế cho thấy, vàng trang sức của Việt Nam đã được xuất khẩu vào các thị trường Malaysia, Singapore… thu về hàng tỷ USD. Và thứ 3, việc xuất khẩu vàng trang sức cũng là một kênh hỗ trợ du lịch rất tốt”, chuyên gia Đinh Nho Bảng phân tích.
Cũng nhận định về rủi ro gia tăng vàng lậu, một chuyên gia kinh doanh vàng cao cấp khác dẫn số liệu từ năm 2009 (khi chưa có Nghị định 24) là doanh nghiệp kinh doanh vàng của ông mỗi năm cần tới 35 tấn vàng để sản xuất vàng miếng và trang sức mỹ nghệ. “Thị trường có khoảng chục doanh nghiệp lớn, tính ra số vàng cần để đáp ứng nhu cầu lên tới hàng trăm tấn. Từ khi có Nghị định 24, thị trường vàng đã bớt “lấp lánh”, nhu cầu của người dân giảm nhiều, nhưng nhìn vào con số này để thấy, nếu NHNN không sớm sửa quy định về quản lý thị trường vàng, chênh lệch cao, nhu cầu mua bán tăng vọt như hiện nay, sẽ gây ra vàng lậu là điều không tránh khỏi. Và thực tế, vàng lậu vẫn đang âm thầm chảy vào Việt Nam, qua cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không.
Những vụ buôn lậu vàng được các cơ quan chức năng phát hiện ra là minh chứng, song tôi cho rằng đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm”, chuyên gia này khuyến cáo và cho rằng, bản thân ông cũng phải đặt câu hỏi, trước đây, NHNN khẳng định không chấp nhận chênh lệch giá vàng như hiện nay, và NHNN nhận định rằng thị trường vẫn bình ổn vì “dù vàng tăng cao, nhưng không kích thích người dân mua bán”, thì hiện nay, cả 2 yếu tố này đều đã và đang tiếp tục diễn ra, tại sao đến giờ, cơ quan quản lý vẫn chưa can thiệp?
“Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng đã làm tốt vai trò lịch sử, nhưng đến thời điểm này, nó đã trở nên quá lạc hậu. Chính phủ đã chỉ đạo sớm sửa đổi, nhưng dường như diễn ra hết sức chậm. Với tình trạng này, ngoài gây những xáo trộn thị trường, “kích thích” buôn lậu, ảnh hưởng tới việc ổn định tỷ giá, nó sẽ khiến cho lượng vàng trong dân tăng cao, đi ngược với chủ trương hút nguồn lực này vào sản xuất kinh doanh. Tôi nghĩ việc sửa đổi cách thức quản lý thị trường vàng là việc rất cần kíp lúc này, đừng để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, vị chuyên gia này nói.