Công ty Bảo Tín Minh Châu tăng giá vàng nhẫn 4 lần trong sáng 11/3 với mỗi lần đi lên từ 40.000 – 100.000 đồng/lượng, mua vào lên 70,08 triệu đồng, bán ra 71,38 triệu đồng. Tập đoàn Doji mua vào 70 triệu đồng, bán ra 71,3 triệu đồng. Công ty Phú Quý mua nhẫn trơn 70 triệu đồng, bán ra 71,3 triệu đồng…
Trong khi đó, một số công ty lớn khác có giá bán vàng ở mức thấp hơn từ 1 – 1,38 triệu đồng/lượng. Chẳng hạn, Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) bán ra 70 triệu đồng, mua vào 68,8 triệu đồng; Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC mua vào 68,85 triệu đồng, bán ra 70,1 – 70,2 triệu đồng…
Giá vàng nhẫn thấp hơn vàng miếng SJC từ 10,6 – 11,8 triệu đồng/lượng. Công ty SJC mua vào vàng miếng SJC 80 triệu đồng, bán ra 82 triệu đồng; Tập đoàn Doji mua vào 79,95 triệu đồng, bán ra 81,95 triệu đồng; Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 80,05 triệu đồng, bán ra 81,9 triệu đồng… Giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới 16,8 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cao hơn từ 5 – 6 triệu đồng/lượng.
So với đầu buổi sáng, kim loại quý chiều 11/3 giảm 6 USD/ounce, xuống còn 2.178 USD/ounce. Giới kinh doanh vàng khá thận trọng khi giá vàng thế giới tăng 180 USD/ounce trong vòng 1 tháng trở lại đây. Trong trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài chốt lời trạng thái, giá vàng quốc tế đi xuống kéo theo giá trong nước cũng xuống theo. Do đó, giới kinh doanh vàng trong nước khuyến cáo không đầu tư mua vàng giai đoạn này.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tổng nhu cầu vàng đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái là 4.899 tấn trong bối cảnh bất ổn toàn cầu và nhờ các ngân hàng trung ương tiếp tục mua mạnh. Trong báo cáo xu hướng nhu cầu vàng cho cả năm 2023, lượng mua của các ngân hàng trung ương duy trì “tốc độ chóng mặt”, đạt 1.037 tấn, gần như phù hợp với kỷ lục năm 2022.