Ngân hàng Nhà nước thay đổi từ đấu thầu vàng sang bán vàng trực tiếp cho ngân hàng thương mại và sau đó các ngân hàng thương mại sẽ bán vàng cho người dân.
Sau động thái này, giá vàng SJC trên thị trường đã giảm rất nhanh trước khi Ngân hàng Nhà nước công bố giá vàng SJC bán cho ngân hàng thương mại vào ngày mai 3/6.
Hiện giá vàng sáng nay, 2/6, giao dịch ở mốc 81-83 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm gần 8 triệu đồng/lượng so với thời điểm ngày 29/5 (thời điểm trước khi Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ có những biện pháp mới nhằm ổn định thị trường vàng). Đây là mức thấp nhất và giảm sâu nhất trong 1 tháng qua.
Cụ thể, hiện Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 81 – 83 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Vàng Doji Hà Nội niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 80,95 – 82,75 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước dừng đấu thầu vàng và quyết định nhập khẩu vàng về để bán cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV) từ ngày 3/6 tới là rất khả thi và có tác động tâm lý lên thị trường.
Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng đây là một giải pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm thực hiện tốt định hướng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trên ba phương diện.
Thứ nhất, nguồn cung vàng miếng được tăng lên một cách cụ thể, trực tiếp (do không bị găm giữ hay đầu cơ), đến thẳng tay người tiêu dùng.
Thứ hai, đảm bảo giá hợp lý hơn trên cơ sở Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào giá vàng thế giới cộng thêm các khoản chi phí cần thiết, qua đó góp phần giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế.
Thứ ba, đảm bảo tính công khai, minh bạch hơn khi các thông tin mua-bán vàng được công khai, giao dịch mua bán vàng có hóa đơn điện tử…
Theo ông Cấn Văn Lực, cách làm này có thể tận dụng mạng lưới chi nhánh của các ngân hàng thương mại lớn. “Việc này cùng với việc tăng cường thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng, cũng sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng găm hàng, buôn lậu, trục lợi chính sách”, ông Cấn Văn Lực nói.
Theo Tiến sỹ Trương Văn Phước, phương án Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước là phương án phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Mục đích của bán can thiệp vàng là để thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế quy đổi. Nhưng trước đây với phương án đấu thầu thì chứng tỏ khoảng cách này không thu hẹp là bao. Bởi vì can thiệp là để giá xuống, mà đấu thầu là chọn giá cao nhất để bán cho người dự thầu lại với giá khởi điểm sát giá thị trường thì làm sao thành công được.
‘Nay Ngân hàng Nhà nước bán cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước để từ đó các ngân hàng này bán ra thị trường thì tôi nghĩ sẽ thành công, tức là khoảng cách chênh lệch giá trong nước và nước ngoài sẽ nhanh chóng được thu hẹp”, tiến sỹ Trương Văn Phước nói.
Một số chuyên gia cũng nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước dừng đấu thầu vàng và quyết định nhập khẩu vàng về để bán cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước là giải pháp đúng, là tăng cung có kiểm soát.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước quyết định tổ chức đấu thầu vàng với kỳ vọng giảm chênh lệch giá trong nước và thế giới nhưng sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng trong nước lại tăng vọt.
Tuy nhiên, đấu thầu vàng miếng chỉ giải quyết được tạm thời vấn đề cung cầu vàng trên thị trường, nên việc giá vàng SJC tăng sau đấu thầu là chuyện không bất ngờ. Điều này dẫn đến việc đấu thầu chưa diễn ra thành công, cũng như chưa có lượng cung vàng trên thị trường để hạ nhiệt nhu cầu, vì vậy thời gian qua, giá vàng vẫn tăng.
Trước đó, chiều 29/5, sau phần thảo luận kinh tế – xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết giá vàng tăng cao và biến động là biến động chung của các nước trên thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Trong nước, giá vàng diễn biến phức tạp và cũng diễn biến cùng chiều với giá vàng thế giới.
Tuy nhiên, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế nới rộng và đặc biệt là giá vàng SJC.
Trước bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm và có nhiều chỉ đạo quyết liệt cả Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ, ngành phải thực hiện chức năng theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để có thể thu hẹp về chênh lệch giá vàng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc thu hẹp chênh lệch giá vàng là một nhiệm vụ thách thức. Bởi vì chúng ta thực hiện trong điều kiện giá vàng quốc tế vẫn liên tục tăng cao và phức tạp.
Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện tăng cung vàng ra thị trường. Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước thực hiện đấu thầu. Tuy nhiên qua 9 phiên đấu thầu, chênh lệch giá thì giảm không được như kỳ vọng.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã đánh giá tình hình và tìm ra các nguyên nhân và xây dựng một phương án mới và bắt đầu triển khai trong tuần tới để giảm chênh lệch giá vàng trong thời gian tới.
Đến thời điểm này, cả 4 ngân hàng Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank đều đã công bố công khai trên website của ngân hàng về thời gian, địa điểm, phương thức bán vàng.
Điều đặc biệt là cả 4 ngân hàng đều phát đi thông điệp, xem đây là nhiệm vụ chính trị nhằm ổn định thị trường, kéo giảm chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế chứ không vì mục đích lợi nhuận.
Với các giải pháp quyết liệt từ phía Ngân hàng Nhà nước và quyết tâm của các Ngân hàng thương mại đã cho thấy thực tế diễn biến mấy ngày vừa qua, thị trường vàng trong nước đang phản ứng rất tích cực, giá vàng đã liên tục hạ nhiệt, rút ngắn khoảng cách với giá vàng thế giới.
Chuyên gia kinh tế Trần Duy Phương nhấn mạnh với tiềm lực và quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước cũng như chỉ đạo của Chính phủ, giá vàng SJC về khoảng 80 triệu đồng/lượng là trong tầm tay.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, giải pháp bán vàng trực tiếp thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn, cần thiết phải sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng mới mong giải quyết được vấn đề.